Không lơ là, chủ quan với bệnh dại ở chó, mèo

16:58 - Thứ Sáu, 26/05/2017 Lượt xem: 7839 In bài viết

ĐBP - Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc và gần gũi trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, nguy cơ bị chó, mèo cắn hoàn toàn có thể xảy ra khi con người tiếp xúc hoặc đùa giỡn với chúng. Sẽ rất nguy hiểm nếu như con vật nuôi đó chưa được tiêm phòng, mang trong mình virus dại, bởi một thực tế bệnh dại đã để lại những nỗi đau cho biết bao gia đình.

Không chỉ quen thuộc, gần gũi, chó còn được được mệnh danh là con vật trung thành với chủ nhất trong các loài động vật, thậm chí chúng được coi như những thành viên thực thụ trong gia đình. Cũng vì lẽ đó mà khi nuôi chó, chủ nhà thường không xích, không rọ mõm, thậm chí không tiêm vắc xin phòng dại. Sự ưu ái đó đôi khi khiến chủ nhân của chúng phải trả giá bằng chính tính mạng của mình - hai trường hợp tử vong vì bệnh dại tại huyện Tuần Giáo trong tháng 4 vừa qua là những bài học đau lòng như thế. Nạn nhân là Giàng A Giáo, 17 tuổi, bản Mý Làng B, xã Phình Sáng, bị chó cắn từ ngày 31/12/2016 nhưng đến 13/4/2017 nạn nhân mới khởi phát triệu trứng và tử vong sau 9 ngày phát bệnh. Trường hợp thứ hai cũng tại xã Phình Sáng là Giàng Thị Á, 19 tuổi, bản Háng Khúa, bị tử vong sau hơn 2 tháng kể từ khi bị chó cắn. Đau lòng hơn khi những nạn nhân đó bị chính chó của gia đình cắn; do chủ quan và một phần nhận thức chưa đầy đủ về độ nguy hiểm khi bị chó cắn nên cả hai trường hợp trên không đến cơ sở y tế khám, tiêm vắc xin phòng bệnh dại, để lại cái chết thương tâm và nỗi đau cho gia đình và người thân.

 

Chị Vi Thị Dân cung cấp thông tin cho phóng viên.

Chúng tôi đến gia đình chị Vi Thị Dân, đội 15, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên để tìm hiểu thông tin; khi vừa đến cổng thì một đàn chó từ trong gầm nhà sàn lao ra sủa inh ỏi, khiến những vị khách không mời như chúng tôi “hồn xiêu phách lạc”. Sau khi xua đàn chó vào trong, chị Dân cho chúng tôi biết: Gia đình chị nuôi 12 con chó, trong đó có 8 con chó con 3 tháng tuổi. Thời điểm giữa tháng 5, một con chó bé đã cắn ba mẹ con chị Dân và hai mẹ con chị Thương (em dâu chị Dân) sống ở nhà bên cạnh. Ngay sau khi bị chó cắn, chị Dân và các con, cháu đã đến Trung tâm Y tế huyện để khám và được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại. Riêng chị Thương không tiêm phòng vì cho rằng mình đang mang thai tháng thứ sáu nên chỉ sắc thuốc nam uống.

Cả gia đình chị Vi Thị Dân từ khi bị chó cắn luôn sống trong trạng thái hoang mang, lo lắng, bởi con chó cắn mọi người chưa tiêm vắc xin phòng dại và đã chết sau đó 3 ngày.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.443 người bị chó, mèo cắn đến các trung tâm y tế tiêm vắc xin phòng dại; chưa kể những trường hợp bị cắn mà không khai báo hoặc không tiêm phòng.

 

Tiêm phòng bệnh dại cho người dân bị chó cắn tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Năm 2016, toàn tỉnh có 5 ca tử vong do bị chó dại cắn, đa số nạn nhân tử vong vì chủ quan không đi tiêm phòng dại, khi phát hiện thì đã quá muộn, không thể cứu chữa. Đặc biệt, bệnh dại có thể xảy ra tất cả các tháng trong năm nhưng thường tăng cao hơn vào mùa hè nắng nóng, bởi thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho virus dại phát triển. Những con chó bị bệnh dại trong thời tiết nắng nóng cũng dễ bị kích thích, hung dữ hơn nên có thể  tăng khả năng tấn công người và các con chó khác. Bên cạnh đó, cùng với thói quen thả rông chó của người dân nên việc lan truyền bệnh và dễ làm bùng phát bệnh dại trên người cũng như trên chó, mèo trong mùa hè.

Như vậy, có thể thấy rằng việc phòng bệnh dại dễ hơn chống. Vì thế, mỗi người dân nuôi chó, mèo cần nêu cao cảnh giác, không thả rông; khi chó, mèo ra ngoài đường cần được rọ mõm; đặc biệt khi bị chó, mèo cắn phải đến ngay trung tâm y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại; tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc vì chính sự chủ quan của bản thân mỗi người.

Bài, ảnh: Tú Trinh
Bình luận
Back To Top