Nhân ngày toàn dân phòng chống mua bán người (30/7)

Chìm nổi những phận má hồng

09:01 - Thứ Năm, 27/07/2017 Lượt xem: 8218 In bài viết
ĐBP - Do những hạn chế đặc thù về vùng miền, mấy năm gần đây địa bàn các huyện: Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé... nổi lên như những “thị trường tiềm năng” của nạn buôn người. Diện tích tự nhiên rộng, biên giới dài, đời sống vật chất thiếu thốn, mặt bằng dân trí thấp dẫn tới trình độ hiểu biết luật pháp không cao... đó là những trở ngại chính khiến công tác phòng chống mua bán người của các lực lượng chức năng gặp vô vàn khó khăn. Và thế là ngày tiếp ngày, bảng thống kê các vụ việc mua bán người dài ra cũng có nghĩa nhiều thêm số phận những con người nổi trôi nơi quê xa đất lạ, vì những ước mơ “xuất giá” vu vơ...

“Thiên đường” cách một... cánh rừng

16 tuổi, Mùa Thị S. từng là cô gái sống hồn nhiên đầy lạc quan yêu đời. Dù không thật sắc nước hương trời, nhưng vẻ đẹp thôn sơn dung dị và mặn mà của S., cũng đủ làm cho nhiều chàng trai ở xã vùng biên giới Việt - Lào (huyện Nậm Pồ), đến độ mất ăn mất ngủ. Những đêm trăng sáng, không ít chàng trai mang khèn đến thổi quanh nhà S. Nhưng khèn ai gần tai người ấy, họ khắc thổi thì họ khắc nghe, chứ trái tim S. vẫn vững như dãy Pu Luông trước những tiếng khèn tỏ tình trầm bổng véo von. Rồi một sáng nọ, tại phiên “chợ tình” Vàng Lếch, tình cờ S. gặp lại người chị họ lấy chồng Trung Quốc. Cứ nhìn cái cách ăn trắng mặc trơn, dây xà tích bạc lủng lẳng bên hông, tay đeo đồng hồ Longcin và trong ví của chị đầy ắp những đồng Nhân dân tệ mới cứng... S. đoán chắc chị mình có cuộc sống phong lưu lắm lắm. Sau khi giúp đứa em quê mùa chọn mua mấy món hàng lặt vặt, bà chị ghé vào tai S. nói mấy câu như rút ruột em ra: “Đám trai bản nông dân quê mình không xứng với mày đâu. Đẹp như mày mà sang bên kia lấy chồng ngoại thì cứ là... chứ chết dí ở cái bản heo hút ấy, thật phí đời!”. Hàng tuần liền, câu chuyện lấp lửng của bà chị họ như lửa đốt trong trái tim S.

 

Trong nỗ lực giữ gìn an ninh, trật tự vùng cao, biên giới, lực lượng công an thường xuyên về các bản làng tuyên truyền cho nhân dân các bộ luật, trong đó có Luật Phòng chống buôn bán người.

Thế rồi, như đã hẹn, vào một buổi chợ phiên, S. bỏ cha trốn mẹ mang theo 2 bộ váy áo vượt biên giới đi tìm hạnh phúc. Chưa đầy hai ngày tính từ lúc rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, S. đã có mặt nơi đất khách quê người. Ngay những phút đầu tiên, trong khi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ như làm cho trái tim rỉ máu thì S. cảm thấy rất thất vọng bởi vùng đất cô đến không giống những gì bà chị yêu quý đã nói, khác xa những điều mà S. đã mất khá nhiều trí tưởng tượng để hình dung ra một “thiên đường”. Phong cảnh xung quanh cũng vẫn là rừng xanh núi đỏ, những người nông dân thiểu số hàng ngày lam lũ cày cuốc trên nương, dưới ruộng, họ làm lụng quần quật mà cũng chẳng giàu có gì hơn so với bà con ở bản P. K. nơi gia đình cô từng mấy đời gắn bó?

Tá túc nhờ người chị họ được ít bữa, tối nọ bà mối dẫn đến cho S. một gã mắt ti hí, đầu cắt cua, răng lợi lởm chởm và già hơn S. dễ đến 30 tuổi, tên là Lý Tòng Quý. Chả biết chúng nó mặc cả với nhau thế nào, nhưng S. nhanh chóng trở thành vợ Lý Tòng Quý và cũng nhanh chóng trở thành đứa ở không công cho hắn. Lý Tòng Quý là kẻ nát rượu, tối ngày bét nhè, từng có 2 đời vợ và cả 2 người phụ nữ trước đều đã phải “bán xới” khỏi tên “bạo chúa không ngai” này. Không ít lần vừa ngồi xuống cạnh mâm cơm hắn đã đánh S. rồi bê cả mâm hất ra sân, chỉ vì lý do nó thấy chai rượu không được đầy. Cơn ác mộng lớn nhất mà S. phải trải qua là vào một đêm cô đi tìm Lý Tòng Quý khi hắn say mềm ở bản bên, Quý đã dùng S. làm “món quà tặng” cho 3 thằng bạn rượu lúc mà hơi men đã khiến chúng như loài cầm thú.

 

Lực lượng công an tuyên truyền phòng chống mua bán người ở xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ).

Sau hơn 6 tháng sống vật vờ như một cái bóng bên người chồng tàn nhẫn và vô học, vào một đêm mưa gió não nùng S. quyết định đào thoát về bên này biên giới. Người ta thường nói “trời không tiệt đường sống” của ai bao giờ, với trường hợp của S. quả đúng là như vậy. Ra khỏi nhà tên vũ phu Lý Tòng Quý là cô cắm đầu chạy và chạy, chả biết chạy phương nào mà chỉ cốt sao rời thật nhanh và thật xa cái căn nhà hôi hám và tội lỗi ấy. May mắn làm sao khi số phận rủ lòng thương, đã “đưa” bước chân của S. về hướng quê nhà. Bà con bản H. P tình cờ thấy S. trong một túp lều coi nương, quần áo cô tơi tả, da dẻ xây xước vì gai cào và trong túi không một đồng xu mẻ. Để rồi, trong cuộc gặp gỡ với trinh sát viên sau đó không lâu, phải khó nhọc lắm S. mới kìm nổi những giọt nước mắt khổ đau, nhưng nỗi buồn thì hằn rõ trên khuôn mặt xanh xao và thảng thốt như vẫn còn ám ảnh điều gì ghê gớm lắm. Cái mầm sống trong cô đang mỗi ngày một lớn và không biết đó là phần cốt nhục của ai, trong số 3 thằng đàn ông mất dạy của cái đêm “định mệnh” ấy?...

Thực trạng nhức nhối

Trên kia chỉ là một trường hợp cụ thể trong số hàng trăm, hàng nghìn bị hại của nạn buôn người mấy năm qua. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Điện Biên: Từ năm 2015 đến nay (tháng 7/2017), Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố 27 vụ án mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng. Thượng tá Vũ Xuân Dương - Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh) - cho biết: Ngoài một số cửa khẩu quốc gia và quốc tế, dọc hai tuyến biên giới còn có hàng nghìn con đường tiểu ngạch xuyên núi cắt rừng, không dễ kiểm soát và thậm chí không thể kiểm soát. Dọc hai bên đường biên, hàng bao đời nay đồng bào các dân tộc có những mối quan hệ huyết thống, họ mạc, hoặc qua lại thăm thân, buôn bán, đổi chác hàng hoá. Lợi dụng điều này, bọn tội phạm đã trà trộn rồi dùng mọi mánh khoé bắt quen với các cô gái, nhất là các cô gái trẻ, chưa chồng con, dỗ ngon dỗ ngọt để đưa họ sang bán ở bên kia biên giới.

 

Băng tội phạm buôn người bị bắt giữ ở huyện Mường Chà.

Trung tá Trần Kim Tuyến - Đội phó, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh) - người từng đảm trách với vai trò điều tra viên của rất nhiều chuyên án buôn bán phụ nữ, chia sẻ: Những năm gần đây, việc các cô gái dân tộc thiểu số lấy chồng Trung Quốc đang rộ lên như một phong trào “xuất ngoại tòng phu”. Công bằng mà nói, cũng có những cô lấy được anh chồng đàng hoàng, con nhà tử tế, bản thân các cô sung sướng đã đành mà gia đình bên ngoại cũng được cậy nhờ. Có điều, số chị em may mắn này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể gì so với số các cô gặp phải những hoàn cảnh đau lòng. Thống kê cho biết, hầu hết các xã biên giới của ta có hiện tượng phụ nữ đi khỏi địa bàn và chủ yếu là sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm thuê; trong đó, đông nhất là ở các huyện: Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé. Nhiều cô sang đến nước bạn rồi mà vẫn cứ tưởng đang ở Việt Nam, nhìn tấm biển quảng cáo cũng chả phân biệt nổi đấy là chữ Trung Quốc.

Đại đa số chị em bị bán cho những gã mà vì lý do gì đấy không lấy nổi vợ người Trung Quốc, nếu không nghiện ngập bê tha thì cũng khiếm khuyết cơ thể hoặc là những đối tượng mãn hạn tù. Hầu hết chị em bị đưa về những vùng xa xôi, hiểm trở chả khác gì nơi các cô ra đi. Trình độ nhận thức kém, ngôn ngữ bất đồng, phong tục khác lạ và nhất là bị đối xử như một đứa ở được mua về bằng tiền, nên nhiều cô đã mạo hiểm bỏ trốn. Tuy nhiên, khi mà tiếng tăm không biết, đường đất không thuộc, tiền nong không có, thân gái dặm trường, các cô nhanh chóng bị bắt lại và bị trừng phạt một cách dã man. Khoảng 65% chị em “một đi không trở lại”, coi như cuộc đời vĩnh viễn sống gửi thác nhờ nơi phương xa xứ lạ; 35% chị em may mắn trốn thoát về nước. Nhưng ngay cả số gọi là “may mắn” này thì các cô cũng phải trả cái giá quá đắt cho giấc mộng phù hoa của mình. Để có thể thoát khỏi sự truy đuổi của những “hậu duệ” nhà Sở Khanh cùng Mã Giám Sinh, có cô buộc phải bỏ lại những “giọt máu” mà mình đã đứt ruột đẻ ra, có cô mang bụng về cam chịu cảnh nuôi con một mình. Vài tháng sau, những cú sốc tâm lý nặng nề làm nhiều cô nhanh chóng ngã bệnh, trong đó có cả những căn bệnh phong tình mà tự họ “nhập” về cùng với nỗi nhục nhã ê chề.

“Ta về ta tắm ao ta // Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Đó là hai câu ca dao mộc mạc mà có lẽ người Việt Nam hầu như ai cũng thuộc. Nó không chỉ thể hiện lòng tự trọng, mà còn hàm chứa một triết lý nhân sinh, một quan niệm về lối sống rằng đừng “đứng núi này trông núi nọ”. Cái “ao ta” dẫu bé nhỏ khiêm nhường thế thôi nhưng đấy là “ao nhà”, là bản ngã của mình và “dù trong dù đục” cũng không chút phù phiếm xa hoa. “Ao” của người chính là nơi chìm nổi những phận má hồng biệt xứ...

Bài, ảnh: Dương Thành Trung
Bình luận
Back To Top