Nhiều bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Mường Ảng

08:48 - Thứ Sáu, 28/07/2017 Lượt xem: 9098 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Quyết định 1065/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh về việc cho người dân thuê đất đối với diện tích 3.897.281m2 của Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay UBND huyện Mường Ảng vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc ký hợp đồng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân. Theo phản ánh của nhiều người dân thị trấn Mường Ảng và xã Ẳng Nưa, tiến độ giải quyết cấp GCNQSDĐ diễn ra rất chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư, sản xuất của người dân. Trong quá trình thực hiện cũng đã nảy sinh nhiều bất cập. Đầu năm 2017, hàng chục hộ đại diện cho nhiều người dân đến trụ sở UBND huyện trả lại GCNQSDĐ...

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Triệu, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mường Ảng cho biết: Đến nay, UBND huyện đã tiến hành ký lại hợp đồng và cấp GCNQSDĐ cho 237/275 hộ với tổng diện tích 303,79ha. Còn lại có 70ha thuộc diện tranh chấp hoặc sai lệnh diện tích phải tiến hành đo và xác định lại. Ông Triệu cũng cho biết, đã có 20 hộ đại diện cho người dân gặp cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh nội dung ghi trên GCNQSDĐ. Cụ thể, trên GCNQSDĐ của các hộ đã được cấp có nội dung: “Không được chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn hoặc thế chấp quyền thuê đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam”. Với nội dung như vậy, khi người dân cầm GCNQSDĐ đến ngân hàng vay vốn để đầu tư, sản xuất đều bị từ chối.

Trước thực trạng đó, ngày 5/6/2017, Thường trực HĐND huyện Mường Ảng đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện và một số đơn vị liên quan để thống nhất nội dung giải quyết kiến nghị của các hộ dân liên quan đến việc cho thuê đất. Sau buổi làm việc, các bên đã thống nhất một số nội dung cụ thể, trong đó có chỉnh sửa Quyết định cho thuê đất, GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Hợp đồng thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm) như sau: Bỏ nội dung “Không được chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn hoặc thế chấp quyền thuê đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam”, sửa thành: “Quyền và nghĩa vụ của người thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm thực hiện theo Khoản 2, Điều 179 Luật Đất đai 2013”...

Theo đó, tại Khoản 2, Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định đối với hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm như sau: Bán, thừa kế, tặng, cho tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê, người mua (hoặc được thừa kế, tặng cho) tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định; Thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật…

Trước câu hỏi của phóng viên về việc giải pháp nào để người dân thuộc diện thuê đất trả tiền hàng năm có thể vay vốn đầu tư sản xuất, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm thì người dân chỉ được thế chấp tài sản trên đất chứ không được thế chấp đất. Do vậy người dân có vay được vốn bằng việc thế chấp tài sản trên đất hay không lại phụ thuộc vào sự linh động của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác. Người dân muốn có quyền thế chấp đất thì sẽ phải trả tiền thuê đất 1 lần.

Theo quy định, mức giá thuê đất đối với người dân thuộc thị trấn Mường Ảng là 300 đồng/m2/năm; đối với người dân thuộc các xã là 250 đồng/m2/năm. Nếu trả tiền thuê đất 1 lần thì với 1ha người dân sẽ phải trả hơn 100 - 130 triệu đồng (cho 43 năm). Những hộ thuê 3 - 4ha thì sẽ phải trả 400 - 500 triệu đồng, đó là số tiền rất lớn đối với người nông dân. Như vậy, khi mẫu GCNQSDĐ mới được cấp lại cho người dân thì vấn đề khó khăn trong việc vay vốn vẫn chưa thể được giải quyết.

Trong khi đó diện tích đất cho thuê đang được người dân sử dụng chủ yếu để trồng cây cà phê, loại cây được cho là thế mạnh về kinh tế của huyện. Tuy vậy, muốn chăm sóc để cây cà phê cho thu hoạch năng suất đảm bảo thì mỗi vụ người dân sẽ phải đầu tư từ 30 - 40 triệu đồng cho 1ha. Trong điều kiện khó khăn về vốn, làm sao để người dân duy trì, chăm sóc và yên tâm gắn bó với loại cây “mũi nhọn” này? Đây là bài toán khó, đòi hỏi các cấp chính quyền huyện Mường Ảng phải tập trung tìm hướng giải quyết để tháo gỡ vướng mắc cho người nông dân.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top