Thu hồi vốn và lãi vay làm nhà 167

“Bài toán” không dễ tìm lời giải

08:31 - Thứ Hai, 14/08/2017 Lượt xem: 7613 In bài viết
ĐBP - Thấm thoắt gần 10 năm trôi qua, những ngôi nhà của người dân được hỗ trợ theo chính sách 167 dần xuống cấp. Do vậy với nhiều hộ nghèo giờ là lúc họ “đứng ngồi không yên”, khi thời hạn trả khoản vay Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cận kề…

Trao đổi với chúng tôi về chính sách hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông, cho biết: Huyện Điện Biên Đông có 2.601 hộ nghèo của 13 xã, 43 hộ nghèo của thị trấn Điện Biên Đông thuộc diện hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 167. Tổng số vốn được huy động trên 69,8 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ (8,4 triệu đồng/hộ) là trên 22,2 tỷ đồng; vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (10 triệu đồng/hộ) trên 26 tỷ đồng và vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội (8 triệu đồng/hộ) trên 20,3 tỷ đồng. Cùng với đó, UBND huyện còn huy động sự đóng góp từ nhân dân, gia đình các hộ nghèo để làm nhà 167 theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình đóng góp để xây dựng nhà ở”. Tổng kết công tác triển khai thực hiện chương trình, toàn huyện có 2.601 hộ nghèo thuộc 13 xã đã hoàn thành xây dựng nhà ở trong năm 2010; 43 hộ nghèo thuộc thị trấn Điện Biên Đông hoàn thành xây dựng nhà trong năm 2011 (đạt 100%). Trong quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ người nghèo làm nhà. Điện Biên Đông là một trong những điển hình của tỉnh trong triển khai hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 và là huyện duy nhất được UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố hoàn thành Chương trình.

 

Gia đình anh Hờ A Tỉnh (bên phải), bản Tìa Ghếnh C, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) vẫn chưa thể trả số nợ vay làm nhà theo Quyết định 167 do chưa thoát nghèo.

Theo quy định về thời hạn thực hiện chính sách 167, trừ hai nguồn vốn được hỗ trợ hoàn toàn là vốn ngân sách Nhà nước và vốn Ngân hàng Đầu tư - Phát triển, thì thời điểm này cũng gần hết hạn hộ nghèo phải hoàn trả 8 triệu đồng cùng lãi suất vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Và đó là thực tế “rất khó” với nhiều hộ nghèo ở Điện Biên Đông nói riêng, hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà 167 trên địa bàn tỉnh nói chung. 

Tìm hiểu thực tế tại bản Tìa Ghếnh C, xã Keo Lôm, (huyện Điện Biên Đông), chúng tôi được ông Vừ Súa Tùng, Trưởng bản cho biết: Bản Tìa Ghếnh C có 22 hộ nghèo, trong đó 9 hộ được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội làm nhà theo Quyết định 167. Trong số 9 hộ được vay vốn đó, tại thời điểm này cả bản chỉ có 1 hộ là chị Vừ Thị Má trả được khoản vay Ngân hàng Chính sách Xã hội. Còn những hộ nghèo khác nhất là những hộ có người mắc tệ nạn xã hội (nghiện ma túy) thì gần như không có  khả năng hoàn trả tiền vay gồm gốc và lãi là 10,4 triệu đồng. Vì hiện tại lương thực cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của họ cũng trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội; nhiều hộ ngay sau khi được hỗ trợ làm nhà, do đã dỡ dần vật liệu (tấm lợp, gỗ...) mang bán để lấy tiền chi tiêu cho nhu cầu cá nhân.

Trong căn nhà không có tài sản nào giá trị ngoài vài bao thóc, anh Hờ A Tỉnh - 1 trong 9 hộ vay làm nhà 167 ở bản Tìa Ghếnh C, chia sẻ với chúng tôi về khoản nợ vay làm nhà 9 năm trước. Anh Tính cho biết: Từ khi được hỗ trợ làm ngôi nhà kiên cố, gia đình tôi rất giữ gìn, bảo vệ nên đến nay nhà vẫn tốt. Tuy nhiên vì quá nghèo nên tôi chưa thể hoàn trả tiền gốc và lãi vay cho dù là rất muốn, bởi kể từ khi làm nhà, lúc nào chúng tôi cũng nghĩ về khoản vay để cố gắng làm lụng nhưng người nghèo làm mãi chẳng ra...

Đem băn khoăn về việc hộ nghèo chưa có khả năng hoàn trả vốn vay làm nhà trao đổi với ông Nguyễn Phú Khiêm, Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Điện Biên Đông, chúng tôi được biết, đến hết tháng 6/2017, tổng dư nợ từ chương trình cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở theo Quyết định 167 trên địa bàn huyện còn 16,559 tỷ đồng/tổng số 20,3 tỷ đồng (trên 81,5%). Trong đó, toàn bộ các hộ vay chưa trả cả gốc lẫn phần lãi suất. Do vậy, nhiệm vụ của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện lúc này là phải tập trung đôn đốc thu hồi nợ. Ông Khiêm cũng cho biết thêm, là đơn vị tín dụng “chính sách”, Ngân hàng sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế nhưng để Ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ,  cũng rất cần sự hợp tác, cam kết vươn lên từ phía người dân. Trước thực trạng người dân chưa hoàn trả vốn, lãi vay làm nhà 167, Ngân hàng đang xây dựng kế hoạch đề xuất lên cấp trên để có những phương án xử lý nguy cơ nợ xấu phát sinh từ nguồn cho vay làm nhà 167. Ở đây, cách giải quyết phải thật thấu tình đạt lý, để một mặt người nghèo vẫn có trách nhiệm trả nợ và một mặt ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho người nghèo chứ không hoàn toàn theo kiểu buộc phải thu dóc cả gốc và lãi. Theo ý ông Khiêm thì điều đó được hiểu là Ngân hàng sẽ không “dồn” người dân vào thế khó...

Quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước là luôn chăm lo cho nhân dân nhất là các hộ nghèo nhằm tạo công bằng xã hội. Nhưng quả thực nhiều chính sách cần phải có sự tính toán lâu dài, mang tính bền vững hơn để nguồn lực đầu tư từ nhà nước thực sự hiệu quả, người nghèo yên tâm an cư để thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top