Sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở bản Pom Khoang

14:34 - Thứ Ba, 19/09/2017 Lượt xem: 6637 In bài viết
ĐBP - Theo phản ánh của người dân bản Pom Khoang, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, về việc kho tập kết mủ cao su của Nông trường Cao su Điện Biên (thuộc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên) nằm ngay giữa bản Pom Khoang 4 tháng nay, gây mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân trong bản.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi tới bản Pom Khoang để tìm hiểu sự việc. Vừa thấy phóng viên, người dân trong bản ùa ra mỗi lúc một đông và cùng nhau chia sẻ những bức xúc bấy lâu nay. Theo lời kể của bà Cà Thị Hà, sống gần kho tập kết mủ cao su, chúng tôi được biết, khoảng từ tháng 6/2017, Nông trường Cao su Điện Biên bắt đầu thu hoạch mủ cao su và tập kết tại kho chứa nằm ngay giữa bản Pom Khoang. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày tập kết, mủ cao su bắt đầu bốc mùi hôi thối, bay khắp bản, khiến người dân cảm thấy khó chịu. “Thường ngày người dân chúng tôi đi làm nương rẫy, còn trẻ con thì đi học, nhưng cứ tối về đến nhà thì không ai chịu được vì mùi mủ cao su bốc ra nồng nặc, có mùi như xác chết động vật, khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên, nhất là vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên càng nhiều” – bà Hà cho biết.

 

Mặc dù mủ cao su đã được vận chuyển đi chế biến, nhưng kho chứa mủ chưa được dọn dẹp sạch sẽ, do đó gây mùi hôi thối, ảnh hưởng tới người dân quanh khu vực. Ảnh chụp ngày 13/9/2017.

Đối với gia đình bà Lường Thị Muôn, tình trạng mùi hôi, thối từ bãi tập kết mủ cao su cũng ảnh hưởng lớn tới những người trong gia đình. Bà Muôn chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 cháu nhỏ, mấy tháng nay vì ngửi mùi hôi thối, các cháu thường xuyên kêu khó chịu, đau đầu, ăn uống kém hẳn đi. Tôi chỉ mong Nông trường Cao su Điện Biên sớm xem xét, có hướng xử lý để không còn mùi hôi, thối làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân chúng tôi nữa”.

Mục sở thị kho tập kết mủ cao su của Nông trường Cao su Điện Biên, rộng khoảng 500m2, gồm nhà kho và bãi kho, chính chúng tôi cũng không thể chịu nổi mùi hôi thối bốc ra từ kho này. Càng tiến lại gần, chúng tôi càng cảm nhận rõ rệt mùi hôi nồng nặc của mủ cao su, gần giống với mùi xác động vật chết, đúng như miêu tả của người dân. Vì đơn vị mới vận chuyển mủ cao su đi chế biến, nên thời điểm phóng viên tới kho tập kết không còn nhiều mủ cao su. Tuy nhiên, mùi hôi thối thì không vì thế mà giảm đi. Theo quan sát, bãi kho và nhà kho chứa đều khá bẩn, nhếch nhác, nền kho ẩm ướt, ứ đọng nước lênh láng. Đặc biệt, bãi kho chứa không có mái che chắn, còn tường nhà kho chỉ được làm bằng hàng rào lưới b40 quây xung quanh. Có lẽ vì kho tập kết không được xây dựng đảm bảo, kín đáo và không được vệ sinh sạch sẽ, nên mùi hôi thối đặc trưng của mủ cao su mới bay khắp nơi trong bản.

Trao đổi với anh Lường Văn Cương, Trưởng bản Pom Khoang, chúng tôi được biết thêm: Tình trạng mùi hôi, thối bốc ra từ kho tập kết mủ cao su của Nông trường Cao su Điện Biên đã gây ảnh hưởng tới 64/64 hộ dân trong bản; nặng nhất là các hộ sinh sống cạnh vị trí kho. Đặc biệt, có 1 hộ dân làm nhà cạnh kho tập kết đã phải bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. “Vì không thể chịu được mùi hôi, thối nên vào tháng 6/2017, dân bản tôi đã làm đơn gửi lên chính quyền xã Thanh Nưa và Nông trường Cao su Điện Biên, đề nghị đơn vị có biện pháp xử lý mùi hôi thối từ kho tập kết. Tôi cũng biết rằng, mùi mủ cao su đặc trưng là mùi hôi, nhưng giá như nông trường xây dựng kho chứa đảm bảo và xa khu dân cư thì người dân chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng” – anh Cương cho biết.

Qua những bức xúc của người dân bản Pom Khoang, bà Lò Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cũng cho biết: Xã đã tiếp nhận phản ánh của người dân bản Pom Khoang, sau đó kiểm tra xác minh. Qua đó, thấy rằng việc chứa mủ cao su lâu ngày tại kho tập kết là nguyên nhân gây ra mùi khó chịu, ảnh hưởng tới người dân. Do đó, UBND xã Thanh Nưa đã báo cáo UBND huyện Điện Biên về tình trạng trên. Bà Vân cũng đưa ra Văn bản số 1139/UBND-TNMT ngày 10/7/2017 của UBND huyện Điện Biên về việc xử lý môi trường đối với kho chứa mủ cao su tại bản Pom Khoang. Trong đó, yêu cầu Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên có biện pháp khắc phục tình trạng hôi thối tại khu vực kho chứa và khẩn trương di dời kho đi vị trí khác để tránh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, trước ngày 15/7/2017. Tuy nhiên, tới nay đã gần 2 tháng, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên vẫn chưa có động thái di dời kho chứa giữa bản Pom Khoang, còn mủ cao su vẫn được tập kết tại kho, gây mùi hôi thối, khó chịu cho người dân trong bản.

Vẫn biết, việc trồng và phát triển cây cao su thành cây công nghiệp chủ lực tại Điện Biên hiện nay đang là chủ trương của tỉnh trong phát triển kinh tế địa phương; thực tế sau 9 năm “bén rễ” tại Điện Biên, cây cao su đã cho thu hoạch và hứa hẹn nhiều thay đổi về đời sống, kinh tế - xã hội. Nhưng làm thế nào để việc trồng, thu hoạch, bảo quản, tập kết mủ cao su không gây ảnh hưởng tới người dân thì Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cần nghiên cứu và thực hiện. Trước mắt, theo yêu cầu của UBND huyện Điện Biên, Công ty cần sớm có biện pháp di chuyển kho chứa, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, để không còn mùi hôi, thối ảnh hưởng tới đời sống của người dân bản Pom Khoang.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top