Nghịch lý tiền lương và năng suất lao động

10:49 - Thứ Tư, 20/09/2017 Lượt xem: 5154 In bài viết
Những năm gần đây, mức lương tối thiểu đã tăng với tốc độ khá nhanh, nhưng vẫn chưa thể bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động. Theo các chuyên gia, mức tăng năng suất lao động còn chậm so với đòi hỏi của thực tiễn là một nguyên nhân khiến việc tăng lương chưa đủ để giúp chất lượng sống của người lao động đạt được tương ứng.

Năng suất lao động còn thấp

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, cả nước hiện có hơn 22 triệu người lao động làm công hưởng lương (chiếm hơn 40% số người có việc làm). Theo đà tăng trưởng, từ năm 2004 đến nay, tiền lương tối thiểu của người lao động tăng trung bình gần 6%/năm. Tuy vậy, mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu tối thiểu của người lao động.

 

Đa phần lao động Việt Nam chưa có trình độ chuyên môn đạt yêu cầu, nên khó có thể đạt năng suất cao.

“Thu nhập của đa số người lao động chỉ đủ trang trải cho các nhu cầu vật chất tối thiểu, chưa có điều kiện để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần”, ông Vũ Quang Thọ, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải, đó là năng suất lao động ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển và đòi hỏi của thực tiễn. Công bố mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, lao động trong ngành khai khoáng tăng năng suất cao nhất; ngành nông nghiệp có mức tăng bình quân cao nhất, nhưng năng suất lao động lại thấp nhất. Còn theo bản tin thị trường lao động Việt Nam quý II năm 2017 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố, 82% số người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm ở khu vực nông thôn, 74% làm việc trong ngành nông, lâm, thủy sản.

“Chất lượng lao động là nhân tố cơ bản phản ánh và tác động đến năng suất lao động. Trên thực tế, nước ta có lực lượng lao động dồi dào, nhưng đa phần chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt yêu cầu, nên khó có thể đạt năng suất cao. Năng suất lao động không cao thì tất yếu thu nhập của người lao động không cao”, ông Nguyễn Văn Thuật (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) phân tích.

Đánh giá năng suất lao động trong mối tương quan với tiền lương, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, khoảng cách giữa tăng lương tối thiểu và tăng năng suất lao động ở Việt Nam đang giãn rộng so với nhiều quốc gia. Trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2015, năng suất lao động tăng trung bình 4,4%/năm, trong khi mức lương tăng trung bình 5,8%/năm. Con số này cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân của lương vượt tốc độ tăng năng suất lao động. “Mức chênh lệch giữa tăng năng suất lao động với tăng lương kéo dài sẽ giảm động lực của nhà đầu tư, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, cản trở quá trình tích lũy vốn con người…”, ông Nguyễn Đức Thành nói.

Ông Futoshi Yamauchi, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo: Mức tăng lương vượt mức tăng năng suất lao động sẽ khiến các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc để thay thế con người, gây ra tình trạng sa thải lao động dẫn đến nhiều người thiếu việc làm...

Trên thực tế, chính sách tăng lương tối thiểu chỉ áp dụng đối với những lao động có hợp đồng, trong khi nhóm lao động làm việc không theo hợp đồng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Vì vậy, việc tăng lương tối thiểu hướng đến mục tiêu “lương tối thiểu có thể bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động” không hẳn là giải pháp khả thi. Mấu chốt của vấn đề là phải có giải pháp tăng năng suất lao động, bảo đảm quá trình tăng lương đi liền với tăng năng suất lao động. Điều này đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia khuyến cáo sau cuộc họp bàn thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để tạo ra sự tăng trưởng về năng suất lao động, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nước ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế xác định lương tối thiểu phù hợp với sự gia tăng của năng suất lao động, đồng thời thành lập cơ quan hay viện nghiên cứu thực hiện chức năng giám sát, thúc đẩy sự tăng năng suất lao động. “Lương tối thiểu là công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động. Nếu không có sự cải thiện vững chắc về năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ cản trở sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới số người thất nghiệp sẽ nhiều hơn”, ông Kenichi Ohno nhận định.

 

Việc tăng năng suất, hiệu quả công việc giúp nâng cao thu nhập cho người lao động.

Đồng quan điểm trên, ông FuJita Yasuo, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho rằng, cơ quan thúc đẩy tăng năng suất lao động nên có sự tham gia của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện người lao động, người sử dụng lao động và các chuyên gia có chuyên môn sâu về kinh tế, lao động, việc làm. Mô hình này đã phổ biến tại một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Singapore, Israel, Indonesia…

Theo đề xuất của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, mức lương tối thiểu nên được tính theo giờ thay vì tính theo tháng như hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho những người làm việc theo giờ hay ngày công được hưởng đầy đủ các quyền lợi, giúp các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc tuyển lao động. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu xây dựng cơ chế lương thỏa thuận, đồng thời bổ sung các chính sách bảo trợ xã hội, khuyến khích người lao động phấn đấu hoàn thiện kỹ năng để được tăng lương…

Mối quan hệ giữa lương tối thiểu, năng suất lao động và đời sống của người lao động còn nhiều vấn đề cần bàn bạc, giải quyết. Song, không thể phủ nhận, trong điều kiện hiện nay, việc tăng năng suất lao động là giải pháp cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top