Thực hiện Kế hoạch 420

Hiệu quả nhưng vẫn có nhiều vướng mắc

09:42 - Thứ Năm, 21/09/2017 Lượt xem: 6571 In bài viết
ĐBP - Kế hoạch số 420/KH-UBND ngày 22/2/2017 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé đã thực hiện được hơn 2/3 thời gian (1/3 - 31/12/2017). Hiệu quả tổng quát đã thấy rõ khi tình trạng phá rừng, di cư tự do giảm hẳn, thậm chí chấm dứt tại một số địa bàn trước đó vốn nóng về phá rừng. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm và các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm trù liệu là vấn đề “hậu 420” khi các tổ công tác rút.

Từ khi triển khai Kế hoạch 420 đến nay, các tổ công tác tỉnh tăng cường và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức cho 100% các bản, cụm dân cư của huyện Mường Nhé ký cam kết không di cư tự do, không phá rừng trái phép. Lực lượng chức năng đã rà soát, thống kê được 870 hộ với 4.947 khẩu di cư đến địa bàn huyện Mường Nhé; 3.955 khẩu đủ các điều kiện theo quy định được cấp sổ hộ khẩu; đã khởi tố 15 vụ, 16 bị can, xử phạt hành chính 36 vụ, 54 trường hợp phá rừng; đang điều tra, xử lý 35 vụ. Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình trạng phá rừng tại Mường Nhé đã cơ bản được ngăn chặn, tình trạng di cư tự do được kiềm chế. Qua tuyên truyền, vận động đa số người dân đã hiểu, chấp hành chủ trương của tỉnh, huyện, tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, một số vụ phá rừng vẫn còn xảy ra, nguyên nhân do năng lực quản lý bảo vệ rừng của một số cộng đồng dân cư, thôn bản khi được giao rừng còn nhiều hạn chế, một số thành viên trong cộng đồng còn thiếu tinh thần trách nhiệm; một số hộ thiếu đất sản xuất vẫn vào các điểm quy hoạch rừng để dựng nhà ở tạm và canh tác.

Một khó khăn khác về sắp xếp, ổn định dân cư trong quá trình thực hiện Kế hoạch 420 là một số nội dung còn sự thiếu thống nhất giữa lực lượng tăng cường và chính quyền địa phương. Như: xã Nậm Kè hiện có quy định tổ chức họp Ðảng ủy xã mở rộng để quyết định đăng ký hộ khẩu cho mỗi hộ di cư, đây là hoạt động trái với Luật Cư trú, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và tổ công tác. Hay liên quan đến Ðề án 79, hiện có nhiều điểm việc đo đạc, quy chủ, phân chia đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân chưa rõ ràng, chưa có mốc giới, lô, thửa trên thực địa dẫn đến việc người dân khó xác định ranh giới, canh tác chồng lấn gây mâu thuẫn, tranh chấp. Ðặc biệt, tại xã Leng Su Sìn - địa bàn vốn rất phức tạp về tình trạng di cư tự do, phá rừng làm nương còn một số vướng mắc chưa được giải quyết. Ðiển hình là việc 22 hộ với 155 nhân khẩu di cư đến bản Suối Voi hiện đang sinh sống xen kẽ với dân bản địa, số hộ này đủ điều kiện cư trú lâu dài trên địa bàn nhưng UBND xã Leng Su Sìn chưa đồng ý cấp sổ hộ khẩu. Qua tìm hiểu được biết, vấn đề cơ bản khiến chính quyền địa phương chần chừ là do xung đột lợi ích giữa người bản địa và người di cư. Cụ thể như vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân bản địa cho rằng: Người di cư không những chưa bảo vệ rừng ngày nào mà còn đến để phá những cánh rừng người bản địa đã bảo vệ bao đời qua. Việc phải “san sẻ” tiền dịch vụ môi trường rừng là một sự bất công! Về vấn đề này, ông Sừng Sừng Khai, Bí thư Ðảng ủy xã Leng Su Sìn cho biết: Không phải chính quyền cơ sở không đồng ý cho 22 hộ di cư này nhập khẩu vào xã nhưng việc bố trí cho họ ở đâu sao cho ổn định, phù hợp là vấn đề cần tính đến. Việc nhập khẩu các hộ này vào bản Suối Voi theo tôi là không phù hợp. Bởi đó là cộng đồng dân bản địa đã ở lâu dài, bản lại giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé càng không tốt cho việc bảo vệ rừng.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top