Tuần Giáo Chú trọng chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10:19 - Thứ Tư, 15/11/2017 Lượt xem: 7680 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT), hàng năm Ban chỉ đạo Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Tuần Giáo tham mưu cho UBND huyện phương hướng, cơ chế và các giải pháp thực hiện Ðề án. Trong đó, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức của người dân về học nghề và việc làm; lựa chọn loại hình đào tạo phù hợp với nhu cầu việc làm thực tế tại địa phương; gắn đào tạo với phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương; trong đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề được xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.


Người dân bản Dửn, xã Chiềng Sinh tham gia lớp học kỹ thuật trồng cây ăn quả.

Theo ông Hoàng Trung, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn được Phòng phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện thực hiện từ các thôn, bản, tới từng gia đình. Qua khảo sát đã nắm bắt được nhu cầu học nghề của LÐNT, nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề qua đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Từ đó có kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc đào tạo nghề LÐNT; đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn nghề đào tạo, đảm bảo đào tạo theo nhu cầu của người học. Từ năm 2010 đến nay, có hơn 5.000 LÐNT được hỗ trợ học nghề (đạt hơn 90% kế hoạch), trong đó 90% lao động được hỗ trợ học nghề nông nghiệp, 10% được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp. Theo thống kê, trong tổng số hơn 5.000 lao động được hỗ trợ học nghề có đến gần 4.000 người có việc làm sau đào tạo. Riêng năm 2017, có 930 người LÐNT được hỗ trợ đào tạo nghề, đạt 100% kế hoạch.

Người dân sau khi được học nghề đã biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất của gia đình; đã chuyển đổi cơ cấu mùa vụ gắn với cơ cấu giống cây trồng; phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðiển hình, mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại xã Chiềng Ðông. Qua theo dõi, tỷ lệ gà sống đạt trên 90% (cao hơn 30% so với gà nuôi ngoài mô hình). Theo tính toán, chỉ sau 6 tháng thực hiện mô hình, gà thương phẩm đạt từ 3 - 3,2kg/con trừ chi phí con giống, thức ăn, thuốc tiêm phòng, công chăm sóc... giá bán trên thị trường hiện nay 90.000 - 110.000 đồng/kg, người dân sẽ thu về từ 70.000 - 90.000 đồng tiền lãi/con. Theo lãnh đạo UBND xã Chiềng Ðông, đến nay mô hình nuôi gà an toàn sinh học được đa số người dân trên địa bàn xã áp dụng, nhân rộng.

Thời gian tới, để công tác đào tạo nghề cho LÐNT đạt hiệu quả cao hơn nữa, Ban Chỉ Ðạo đào tạo nghề cho LÐNT huyện Tuần Giáo tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, xác định nghề đào tạo phù hợp với từng người và địa phương, từ đó định hướng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top