Phình Giàng đã bớt gian nan

09:31 - Thứ Năm, 16/11/2017 Lượt xem: 6542 In bài viết
ĐBP - Những con đường êm thuận, những hạt thóc chắc mẩy, những đàn trâu, bò bụng no tròn… là hình ảnh chúng tôi ghi lại được khi trở lại Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông) - xã mà trước kia khi nhắc tới ai cũng phải lắc đầu ngao ngán bởi sự gian khó trăm bề. Nhưng nay, mọi thứ đang dần đổi thay. Tư duy người dân không còn “lạc hậu”; kinh tế từng ngày phát triển... Thành quả đó là nỗ lực của sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là khi chủ trương, đường lối đúng đắn của cấp ủy, chính quyền đến được với nhân dân qua “cầu nối” là những người cán bộ, đảng viên.

Ấn tượng mới nhất về Phình Giàng qua câu chuyện như một phần “mở bài” của Bí thư Ðảng ủy xã Vàng Giống Lầu khiến tôi nhớ như in đó là hiện nay, gần như tất cả các bản (trừ một số hộ người dân tộc Khơ Mú) trên địa bàn không còn hộ đói, mặc dù có nghèo nhưng những tháng giáp hạt, ai cũng có cơm để ăn. Không những thế, nhiều hộ còn trữ được cả thóc để bán lấy tiền trang trải sinh hoạt. Như thể minh chứng cho sự khẳng định của mình, Bí thư Ðảng ủy xã nói: Trước đây, Phình Giàng nghèo lắm. Nguyên nhân đói nghèo thì nhiều: không chịu làm nương hoặc làm nương nhưng do ảnh hưởng của thiên tai dẫn đến cây trồng kém năng suất; hay do đường sá cách trở khó vận chuyển lương thực... khiến người dân sinh lười... Thế nhưng, khi được cấp ủy, chính quyền xã, nhất là cán bộ, đảng viên tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi gia súc gia cầm; cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình, dự án... nhận thức của đồng bào nơi đây có sự chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình chịu khó làm ăn, canh tác đất đai để sản xuất 2 vụ/năm. Chẳng nói đâu xa, vài năm trước, người dân bản Pa Cá, Phì Xua B rất khó khăn, cuộc sống thiếu thốn, nghèo đói đeo bám. Nhưng với sự gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, với phương châm “đảng viên đi trước” trên mọi lĩnh vực thì nhận thức, ý chí thoát nghèo của đồng bào các dân tộc nơi đây được nâng cao; bộ mặt kinh tế của hai bản ngày càng khởi sắc. Hai bản hiện có hơn 100 hộ. Trung bình mỗi gia đình có từ 2 - 4 con trâu, bò; chưa kể vật nuôi khác (lợn, dê, ngựa, gia cầm...)

Cùng chúng tôi đến bản Phì Xua B, một cán bộ văn phòng UBND xã Phình Giàng cho biết: Ðường vào bản không rộng lắm, nhưng như thế đã là tốt lắm rồi! Hai, ba người đi cũng được; chở thóc, chở ngô thoải mái. Chứng kiến cuộc sống của bà con nơi đây, mới biết người dân chịu khó nhường nào. Trong những lán cây xanh, những con trâu, bò béo mộng khoan thai gặm cỏ; chúng tôi hiểu rằng “đầu cơ nghiệp” được bà con chăm sóc cẩn thận. Là một trong những gia đình được cán bộ xã, bản động viên, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vươn lên thoát nghèo, ông Vàng Gà Nếnh, tâm sự: Năm 2004, được Nhà nước hỗ trợ một con bò giống, nhờ chăm sóc tốt, bò đã sinh sản nhiều lứa. Giờ gia đình không còn nghèo, con cháu yên tâm lao động, sản xuất. Ðược biết, không riêng gia đình ông Nếnh thoát nghèo, trong bản còn nhiều hộ khác từ nghèo khó đã vươn lên phát triển kinh tế, cuộc sống khấm khá.

Còn bản Xa Vua A lại là điển hình của sự hiếu học. Nơi đây 100% con em trong độ tuổi đi học đều đến trường đầy đủ. Không những thế, nhiều cháu thi đỗ và theo học tại các trường chuyên nghiệp nổi tiếng, như: Ðại học Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ðại học Kiến trúc, Ðại học Xây dựng, Ðại học Luật... Chẳng nói đâu xa, ngay gia đình ông Vàng Giống Lầu - Bí thư Ðảng ủy xã có đến 3 người con đều học cao, hiểu rộng. Qua tìm hiểu, được biết, gia đình ông Lầu nhiều năm liền được tặng danh hiệu gia đình hiếu học. Ðó không chỉ là niềm vui của riêng gia đình, mà còn là niềm vui chung đối với người dân Phình Giàng trên đất Ðiện Biên Ðông. Bởi dẫu biết để nuôi một người con trưởng thành, học hành nên người rất vất vả nhưng với sự định hướng, vận động của cấp ủy, chính quyền, nhiều bậc phụ huynh đã hiểu được tầm quan trọng của giáo dục nên đều cho con đến trường học chữ.

Bằng tinh thần, trách nhiệm, hơn 100 đảng viên ở xã Phình Giàng ai cũng hiểu được trọng trách của mình đối với nhân dân, nhất là định hướng bà con sống tốt đời, đẹp đạo, nêu cao tinh thần xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh. Từ “cầu nối” là chính mỗi cán bộ, đảng viên, những chủ trương, đường lối của Ðảng, Nhà nước đã đến được với đồng bào các dân tộc nơi đây.

Quang Long
Bình luận
Back To Top