Lại xảy ra ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê ở Mường Ảng

10:11 - Thứ Hai, 18/12/2017 Lượt xem: 7203 In bài viết
ĐBP - “Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, đánh đổi cuộc sống bình yên của nhân dân…”. Ðó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại nhiều cuộc họp từ Trung ương đến địa phương liên quan đến phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Mường Ảng, tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở chế biến cà phê vẫn đang diễn ra trước sự bức xúc của dư luận.

Huyện Mường Ảng hiện có hàng chục cơ sở chế biến cà phê, nhìn chung các cơ sở này đều không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Trong đó, cơ sở chế biến có công suất lớn nhất (khoảng 100 tấn/ngày) là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc (trước đây là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế), đóng tại bản Pá Cha, xã Ẳng Tở. Về những sai phạm nghiêm trọng của Công ty này, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường, chúng tôi đã phản ánh nhiều trên Báo Ðiện Biên Phủ. Cần phải nói lại rằng, đây là vị trí Công ty này thuê đất để làm “điểm thu mua nông sản” (không được phép chế biến, vì ở vị trí không thể khắc phục về ô nhiễm môi trường)... và hạn thuê đất cũng đã hết từ tháng 5/2016. Tuy nhiên, việc sản xuất và chế biến gây ô nhiễm của Công ty này vẫn liên tục diễn ra.

 

Cơ sở thu mua chế biến cà phê của Công ty Việt Bắc tại bản Pá Cha.

Ðể đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm cà phê cho người dân trên địa bàn, UBND huyện Mường Ảng đã ưu tiên và chấp nhận cho cơ sở này tiếp tục tồn tại trong thời gian chờ triển khai dự án xây dựng Nhà máy thu mua và chế biến cà phê tại khu vực đã quy hoạch (đồi Tăng, bản Co Có, xã Ẳng Tở). Bên cạnh đó, UBND huyện cũng yêu cầu Công ty Việt Bắc thực hiện nghiêm các phương án bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Công ty không những không thực hiện mà còn có những biểu hiện coi thường dư luận, pháp luật.

Qua nhiều ý kiến phản ánh của người dân địa phương, trong tháng 11 có thời điểm Công ty dừng thu mua cà phê của người dân nhưng vẫn cho máy móc hoạt động suốt ngày đêm, xả thải ra suối, đổ vỏ cà phê ra hành lang sát mép quốc lộ 279, gây mùi hôi thối rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ngày 1/12, khi chúng tôi có mặt tại bản Pá Cha để tìm hiểu sự việc thì chứng kiến cảnh người dân đổ xô đi vớt cá suối chết nổi trắng mặt nước. Như bà con nói thì cá chết là do nguồn nước ô nhiễm thải ra từ cơ sở chế biến cà phê Việt Bắc.

Tìm hiểu kỹ hơn sự việc chúng tôi được biết, tại địa bàn tỉnh Sơn La có hàng chục cơ sở chế biến cà phê bị đóng cửa vào đầu tháng 11, do ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt. Trong số đó có cơ sở sản xuất, chế biến của Công ty Cát Quế. Do vậy, Công ty này đã dùng xe tải loại lớn để vận chuyển quả cà phê từ Sơn La lên chế biến tại cơ sở của Công ty Việt Bắc thuộc bản Pá Cha (Công ty Cát Quế và Công ty Việt Bắc cùng một giám đốc là ông Phạm Thắng). Ðó chính là câu trả lời cho việc tại sao có thời điểm Công ty Việt Bắc ngừng mua cà phê của người dân Mường Ảng nhưng vẫn cho máy móc hoạt động suốt ngày đêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Quàng Văn Phong, người dân sống ngay cạnh cơ sở của Công ty Việt Bắc bức xúc nói: “Chắc chúng tôi phải chuyển nhà đi nơi khác chứ ở đây không chịu được, họ cho máy móc hoạt động suốt ngày đêm. Vỏ cà phê đổ ra mùi hôi thối khắp cả bản. Ðem vấn đề này trao đổi với ông Lường Văn Thoạn, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở thì được biết: Sau khi phát hiện tình trạng cá chết hàng loạt, UBND xã đã báo cáo các cấp có thẩm quyền và cử đoàn công tác xuống kiểm tra, phát hiện ao chứa nước thải của Công ty Việt Bắc bị vỡ nên toàn bộ nước thải đã xả thẳng ra suối. Ðoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty khắc phục tình trạng trên và giải phóng toàn bộ vỏ cà phê ra khỏi khu vực theo đúng cam kết…

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc cá chết, trực tiếp Chủ tịch UBND huyện và đoàn công tác của huyện đã xuống kiểm tra và yêu cầu Công ty Việt Bắc khẩn trương khắc phục sự cố. Về vấn đề người dân phản ánh Công ty Việt Bắc vận chuyển cà phê quả tươi từ Sơn La về chế biến tại Mường Ảng, chúng tôi đã yêu cầu Công ty báo cáo, giải trình để làm rõ vấn đề nêu trên. Chúng tôi cũng đã liên hệ điện thoại với ông Phạm Thắng, Giám đốc Công ty Việt bắc nhưng không liên lạc được.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền huyện Mường Ẳng và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp để xiết chặt quản lý và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại môi trường của Công ty Việt Bắc nói riêng và các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn nói chung. Ðể phát triển kinh tế thì việc tạo cơ chế ưu tiên, thu hút doanh nghiệp là cần thiết, song phải nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top