Tình người trong giá rét

09:21 - Thứ Năm, 04/01/2018 Lượt xem: 10716 In bài viết
ĐBP - Hình ảnh các em nhỏ vùng cao thiếu quần áo ấm, không giày tất, đôi chân trần phồng đỏ lên vì cước, co ro trong giá rét... thời gian qua được chia sẻ rất nhiều trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, với sự cảm thông sâu sắc. Không chỉ chia sẻ thông tin, cộng đồng xã hội đã biến thành hành động cụ thể, thông qua lời kêu gọi sự giúp đỡ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Vì xuất phát từ trái tim nên những lời kêu gọi nhanh chóng thu hút đông đảo sự quan tâm của những tấm lòng...

Giữa những ngày rét đậm trung tuần tháng 12 vừa qua, chàng trai trẻ Bùi Khắc Ðoàn từ quê hương Ninh Bình khăn gói “một mình một ngựa” lên đường đến với Ðiện Biên - vùng đất mà xưa nay em chỉ biết đến trong lịch sử. Hành trang Ðoàn mang theo là 2 bao quần áo ấm, giày, tất trích từ chương trình thiện nguyện do em và nhóm bạn kêu gọi, quyên góp ủng hộ dành cho đồng bào vùng cao. Chỉ sau một tuần kêu gọi và tận dụng kinh phí từ nguồn vật dụng thừa của cô và trò Trường THPT Nho Quan C (Ninh Bình), em đã gom được số hàng khá lớn gồm: Quấn áo ấm, tất chân, gang tay, dép... Vượt qua quãng đường đèo dốc dài 500km, Ðoàn đã chọn Tuần Giáo là điểm dừng chân. Lý do em đưa ra là bởi ấn tượng sâu sắc từ những hình ảnh do một trang mạng xã hội chia sẻ, về một cậu học trò nghèo co ro trong giá rét, song vẫn bám trụ với trường lớp.

 

Anh Bùi Khắc Ðoàn trao quần áo từ thiện cho người dân xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo).

Với một chàng trai vừa tốt nghiệp THPT, từ nhỏ chỉ quen sống ở đồng bằng, thuận tiện về giao thông và mọi điều kiện sống, thì quả thật đây là một chuyến đi “bão táp”. Ðoàn chia sẻ: “Em sợ nhất là những cung đường đèo dốc quanh co, một bên vách đá, bên kia là vực sâu. Lại đi đúng vào đợt rét đậm, mưa và sương mù dày đặc, dù mặc khá kỹ mà chân tay vẫn cảm thấy tê cóng. Thế nhưng khi nghĩ đến hình ảnh cậu bé kia, rồi những bà con trên này co ro trong manh áo mỏng, em lại càng quyết tâm, và thực tế đã không để em thất vọng!”. Ngoài việc thỏa chí đi để biết và cảm nhận về cuộc sống, trong chuyến đi Ðoàn đã gặp được cậu bé mà em từng rất ấn tượng; được tận tay trao những chiếc áo ấm, đôi tất chân cho bà con nghèo ở xã Mùn Chung (Tuần Giáo). Giữa ngày đông giá rét, chứng kiến họ khoác chiếc áo mình tặng, đi đôi tất mình trao... với nụ cười rạng rỡ, rồi nhận về lời cảm ơn chân thành, cái bắt tay thật chặt..., với Ðoàn “đó là niềm hạnh phúc không nói thành lời!”

Một chương trình thiện nguyện khác, với quy mô lớn hơn nhiều, do đoàn từ thiện Cát Linh (Hà Nội) tổ chức đã diễn vào những ngày rét buốt cuối tháng 11 vừa qua tại huyện Tủa Chùa. Ðiều đáng nói, chương trình cũng thông qua sự kết nối của một cá nhân, bằng hình thức kêu gọi cộng đồng mạng. Những tấm lòng hảo tâm đã gặp nhau từ ý tưởng và họ hiện thực hóa bằng hành động. Ngay khi kết nối được điểm đến, những chuyến xe chở hàng từ thiện “ngược ngàn”, vượt qua giá rét đã lên với vùng cao Ðiện Biên. 4 xe chở hàng và 20 con người, được chia làm 4 nhóm phân đi gần 20 điểm trường để trao quà. Không ngại khó khăn về giao thông và thời tiết khắc nghiệt, mục tiêu các điểm đến mà đoàn chọn đều là những địa bàn vùng cao, thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của các xã: Sính Phình, Tả Phìn, Lao Xả Phình, Sín Chải... Có lẽ, cũng bởi vậy, những món quà càng trở nên ý nghĩa và kịp thời hơn. Chỉ trong 2 ngày, hơn 1.000 suất quà đông ấm và máy lọc nước đã được trao đến tận tay học sinh tại các điểm trường vùng cao.

Chia sẻ về chương trình kết nối của mình, anh Nguyễn Tuân - giáo viên Trường THPT Tuần Giáo cho biết: “Ðây không phải chương trình duy nhất, song lại lớn nhất từ trước tới nay tôi kêu gọi được. Phần lớn các chương trình làm là tự phát, do tôi đi và cảm nhận, rồi ghi lại hình ảnh chia sẻ với mọi người. Có lẽ vì sự chân thực đó nên tôi nhận được rất nhiều sẻ chia từ những tấm lòng thiện nguyện trên khắp cả nước. Từ đầu mùa rét tới nay, cá nhân tôi đã tự tổ chức và kết nối được trên dưới 30 chương trình từ thiện lớn, nhỏ. Ðã có hàng nghìn suất quà là chăn ấm, quần áo rét, giày dép... đến tận tay trẻ em và người nghèo vùng cao”.

 

Những đứa trẻ ở Tủa Chùa trong chiếc áo ấm được trao từ Chương trình từ thiện do thầy giáo Nguyễn Tuân kết nối.

Thầy giáo Nguyễn Tuân cũng chia sẻ, mỗi chương trình tổ chức và kết nối được đều để lại trong anh những ấn tượng riêng. Anh nhớ như in từng gương mặt trẻ thơ lấm lem bùn đất, từng dáng người co ro trong giá rét, từng đôi chân trần rộp đỏ... Anh cũng nhớ rõ những ánh mắt hồn nhiên khi nhận quà, khuôn mặt rạng ngời ánh lên niềm hạnh phúc của đồng bào vùng cao khi bắt tay cảm ơn anh. Và một trong những ấn tượng không thể quên trong những lần thiện nguyện như thế là một em bé tại bản Hua Ca, xã Quài Tở (Tuần Giáo). “Ðối tượng nhận quà của chương trình ngày hôm đó là học sinh điểm trường tiểu học, còn em bé kia mới chỉ chừng 4 - 5 tuổi vô tình vào trường chơi. Thấy anh chị nhận quà, bé ngồi khóc, bố mẹ kéo cũng không chịu về. Hỏi ra mới biết, vì gia đình hoàn cảnh nên bé không có áo ấm. Ngay lập tức, đoàn đã san sẻ quà để trao cho bé một chiếc áo phao. Mặc dù không đúng kích cỡ, song nhìn bé cười rạng rỡ mà chúng tôi thấy ấm lòng”  - Tuân kể.

“Cho đi là nhận lại”, đối với Bùi Khắc Ðoàn, Nguyễn Tuân và có lẽ bất cứ ai đã và đang làm các chương trình thiện nguyện, được san sẻ “hơi ấm” trong những ngày đông rét buốt cho những người thiệt thòi hơn là một niềm hạnh phúc lớn.

Mùa đông lạnh, nhưng cái lạnh nơi vùng cao Ðiện Biên còn khắc nghiệt hơn rất nhiều. Và khi mùa giá rét đi qua, điều các đoàn thiện nguyện để lại trên những mảnh đất vùng cao khó khăn ấy không chỉ đơn giản là tấm áo ấm, chiếc chăn bông hay những đôi giày mới... mà trên hết đó là tình người!

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top