Xử phạt xe không sang tên đổi chủ

Thực hiện tuyên truyền, giáo dục là chủ yếu

09:06 - Thứ Sáu, 05/01/2018 Lượt xem: 6517 In bài viết
ĐBP - Quy định xử phạt các phương tiện không sang tên, đổi chủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, việc xử phạt hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” trong Nghị định 146 là phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, bước đầu quy định này sẽ chỉ áp dụng xử lý trong một số trường hợp.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Trần Văn Vang, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Năm 2017, việc quy định xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và trong công tác đăng ký xe. Việc thực hiện quy định nêu trên hiện vẫn còn một số khó khăn. Khi phương tiện đang tham gia giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông không được phép dừng để kiểm tra, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”, chỉ khi phương tiện gặp tai nạn, lúc đó cảnh sát mới xác minh nguồn gốc xe để làm căn cứ xử phạt. Quá trình xử lý các phương tiện vi phạm giao thông, lực lượng chức năng có đủ kỹ năng để xác minh ai là chủ sở hữu xe. Về mức phạt, theo Nghị định 46, Cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản, xử phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, tặng, phân bổ hoặc điều chuyển, thừa kế tài sản. Ðối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, lỗi này phạt từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng với cá nhân, từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với tổ chức.

Tuy nhiên, trong thực tế, từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh xử lý những trường hợp trên không nhiều, mà chủ yếu mang tính tuyên truyền, giáo dục về chế tài này là chính, nhất là đối với người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bởi hiện nay, còn nhiều người hiểu chưa đầy đủ quy định này áp dụng đối tượng là chủ xe khi “mua, được cho, tặng, phân bổ, điều chuyển, thừa kế tài sản” mà không đăng ký sang tên xe chứ không phải người lái xe. Còn trường hợp đi xe do mượn, thuê... thì không có quy định nào xử phạt cả, do quan hệ này là quan hệ dân sự, không phát sinh thủ tục hành chính hay trách nhiệm hành chính trong các trường hợp này. Vì vậy, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, bạn bè phải mượn xe của nhau hoặc gia đình chỉ có điều kiện mua 1 chiếc xe, vợ có thể đi xe đăng ký tên chồng, con dùng xe của cha, mẹ để đi thì không vi phạm lỗi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe”. Quy định sang tên, đổi chủ đối với môtô, xe máy được mua, tặng, cho… là cần thiết, vì trong nhiều trường hợp xe vi phạm pháp luật, xảy ra tai nạn giao thông, cảnh sát điều tra hoặc cảnh sát giao thông phải chứng minh chủ sở hữu xe đó nên nếu chủ xe không sang tên, đổi chủ mà giao xe cho người khác rồi xảy ra tai nạn hoặc vi phạm pháp luật thì sẽ bị liên đới trách nhiệm, rắc rối cho bản thân. Ngoài ra, nếu chấp hành quy định sang tên, đổi chủ, khi xảy ra tai nạn hoặc mất xe, lực lượng chức năng sẽ dễ dàng hơn trong việc xác minh, tìm ra chủ xe bị mất hoặc báo cho thân nhân khi gặp sự cố.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top