Mường Ảng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

09:51 - Thứ Sáu, 12/01/2018 Lượt xem: 7918 In bài viết
ĐBP - Trong những năm gần đây, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tại huyện Mường Ảng đã được triển khai tích cực và hiệu quả. Ðời sống văn hoá tinh thần, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư không ngừng được nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ðể đạt được kết quả như vậy, công tác tuyên truyền, vận động, đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và đơn vị, cơ quan văn hóa được ban chỉ đạo các cấp quan tâm. Trong đó, quy trình đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận danh hiệu gia đình văn hóa được các địa phương tổ chức thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Năm 2017, toàn huyện có 7.008 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, tăng 111 hộ so với năm 2016; 71/139 bản, tổ dân phố văn hóa; 97/101 cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa; trên 50 bản có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên.

Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện đã được tăng cường thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp. Công tác phục dựng và phổ biến các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian, truyền thống cũng được quan tâm nhiều hơn. Thông qua lễ hội truyền thống, các nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng dân gian, các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đặc biệt là làn điệu dân ca của các dân tộc trong huyện được bảo tồn và phát triển. Việc tổ chức cưới xin, tang ma được các gia đình thực hiện gọn nhẹ, không phô trương, lãng phí, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Các lễ hội xuân diễn ra lành mạnh, không xảy ra tình trạng lưu truyền các ấn phẩm văn hóa tín ngưỡng chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hiện tượng mê tín dị đoan… 

Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Ảng cho biết: Với phương châm “lấy sức dân để phục vụ cho dân”, các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã có nhiều biện pháp nhằm phát huy sức mạnh “tự lực tự cường” của người dân. Qua đó, người dân đã tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng, hàng nghìn ngày công lao động để làm đường liên bản và xây dựng nhà văn hóa. Từ sự đầu tư của Nhà nước, kết hợp với công sức đóng góp của người dân đã tạo ra những thay đổi cho diện mạo ở nhiều xã. 100% các xã, thị trấn trong huyện có đường giao thông về đến trung tâm; 100% xã, thị trấn có trạm y tế, mạng lưới thông tin liên lạc được đảm bảo…

Ðến nay, các bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã xây dựng được hương ước, quy ước. Ðây chính là cơ sở, là nền tảng để xây dựng gia đình văn hoá, bản làng văn hoá. Những truyền thống văn hoá tốt đẹp của mỗi dân tộc, địa phương từ đó được gìn giữ, phát huy; những hủ tục dần được loại bỏ trong đời sống của người dân.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top