Nậm Pồ chống rét cho đàn vật nuôi

08:56 - Thứ Sáu, 19/01/2018 Lượt xem: 9472 In bài viết
ĐBP - Nhiều ngày nay nhiệt độ trên địa bàn huyện Nậm Pồ xuống thấp, có thời điểm xuống tới 7 - 80C; độ ẩm không khí cao làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Do vậy, để phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch, kịp thời phòng, chống rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Chăn nuôi đang dần trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của Nậm Pồ khi tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm hàng năm của huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng đàn gia súc hiện nay ước đạt 62.957 con (19.648 con trâu, 4.250 con bò, 39.059 con lợn); gia súc khác ước đạt 8.715 con và gia cầm ước đạt 140.162 con.... Trong năm vừa qua, mặc dù không xảy ra dịch bệnh lớn, nhưng do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ ban đêm giảm sâu, sáng sớm kèm hiện tượng sương muối làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển, như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng...

 

Cán bộ Trạm Thú y huyện Nậm Pồ hướng dẫn người dân chăm sóc trâu trong mùa đông.

Ông Phạm Trần Trường, Phó trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nậm Pồ, cho biết: Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đảm bảo tốc độ tăng đàn, ngay từ đầu năm, Trạm đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn cử cán bộ xuống cơ sở bám, nắm địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y xã, người chăn nuôi kiểm tra, phát hiện và điều trị cho gia súc có biểu hiện mắc dịch bệnh, đưa gia súc về gần nhà để theo dõi trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Trong năm, Trạm thực hiện phun phòng bệnh tại 15/15 xã với 3.694 hộ thuộc 121 bản; tiêm vắc xin phòng bệnh theo Chương trình 30a được 40.485 liều, gồm các bệnh: Nhiệt thán, tụ huyết trùng trâu, bò; lở mồm long móng, dịch tả lợn... Hiện nay, thời tiết ở nhiều vùng trong huyện bắt đầu rét đậm, xuất hiện sương muối, do vậy Trạm đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân tu sửa, che chắn đảm bảo kín gió khi cần thiết, làm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc, gia cầm hạn chế tình trạng thả rông, tìm thức ăn ngoài tự nhiên; phát quang bụi rậm xung quanh, tránh ẩm ướt, lầy lội hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh. Ông Trường cũng khuyến cáo, để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, bà con cần cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi vật nuôi, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo định kỳ. Ðặc biệt, thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe của vật nuôi, khi thấy dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng cách ly và báo ngay cho cán bộ thú y, chính quyền địa phương biết để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Từ thực tế cho thấy, để làm tốt công tác phòng chống rét cho đàn vật nuôi, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn thì các hộ chăn nuôi cũng cần nêu cao ý thức trong việc chăm sóc vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, đảm bảo nguồn thức ăn…

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top