Pha Ðin - Tỏa Tình xuân này

10:45 - Thứ Ba, 06/02/2018 Lượt xem: 10131 In bài viết
ĐBP - Giữa những ngày hàn thử biểu dao động ở mức trên dưới 50C, tôi may mắn được cùng hơn 40 hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật huyện Tuần Giáo thực hiện chuyến đi thực tế sáng tác tại xã Tỏa Tình và đèo Pha Ðin. Tôi không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu mình lên Pha Ðin, nhưng thật thú vị khi lần đầu tiên được đi cùng các văn nghệ sỹ, lại trong một khung cảnh lãng đãng sương mù và cái rét thì như kim châm dùi chích...

Tới đỉnh đèo Pha Ðin, đoàn xe dừng lại trong màn sương trắng đục, cứ như có người nào đang từ trên trời “rây” bột xuống trần gian. Các văn nghệ sỹ ai nấy co ro bước ra khỏi xe trong cái lạnh tím tái của mùa đông khắc nghiệt. Tôi hỏi ông Phạm Văn Thiện (Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuần Giáo, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tuần Giáo): “Sao lại chọn đúng vào ngày rét thế này mà lên Pha Ðin, tôi sợ rằng những hội viên cao tuổi không chịu nổi?”. Ông Phạm Văn Thiện cầm tay tôi như để chuyền chút hơi ấm sang nhau, bảo: “Lịch lên cách đây hơn 2 tháng, chứ có phải hứng lên là rủ nhau đi đâu anh? Như anh biết đấy, ngoài lớp tập huấn với hơn 50 hội viên Tuần Giáo, còn gần chục hội viên của tỉnh tham gia. Với lại, đây cũng là dịp thử thách “tình yêu văn chương” của mọi người. Hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm hay về Tỏa Tình và về Pha Ðin, sau chuyến thực tế gian khổ nhưng cũng thật đáng nhớ này...”.

 

Trung tâm xã Tỏa Tình.

Bỏ dở câu chuyện “tay đôi” giữa hai người, ông Thiện quay về phía các hội viên và “cái máu” tuyên giáo như bắt đầu “sôi” lên khi ông cung cấp thông tin cho các văn nghệ sỹ. Theo đó, nằm về phía Ðông của tỉnh Ðiện Biên, đèo Pha Ðin không chỉ nổi tiếng trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ qua câu thơ: “Dốc pha Ðin chị gánh anh thồ”, mà đây còn là con đèo với vai trò “cửa ngõ” của một huyện “cửa ngõ”, làm say lòng du khách trước khi thực hiện cuộc khám phá Ðiện Biên. Chuyện kể rằng đầu năm 1954, lúc các đơn vị bộ đội hối hả hành quân lên Tây Bắc, thì 14.000 thanh niên xung phong (TNXP) theo lệnh điều động của Hội đồng Cung cấp mặt trận Ðiện Biên Phủ, cũng có mặt để sẵn sàng làm công tác phục vụ cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Sau đó, xuất phát từ yêu cầu của chiến trường, hơn 6.000 TNXP chuyển sang trực tiếp cầm súng đối mặt với quân thù, còn lại hơn 8.000 người rải dọc đường 41 (nay là quốc lộ 6) từ Chợ Bờ - Suối Rút (Hoà Bình), qua ngã ba Cò Nòi (Sơn La), vượt đèo Pha Ðin lên lòng chảo Mường Thanh (huyện Ðiện Biên, tỉnh Lai Châu).

Như “chạm” vào kiến thức chuyên môn thạc sỹ sử học của mình, nhà thơ Trần Văn Thành (Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ðiện Biên) tiếp lời ông Phạm Văn Thiện, nói: Cũng cần công bằng mà nhận xét, trước khi nổ ra trận huyết chiến 56 ngày đêm, cái tên Ðiện Biên Phủ còn chưa được nhiều người biết đến. Nhìn chung mọi con đường lên Tây Bắc và lên Ðiện Biên, đều phải vượt qua vô vàn những đèo cao, vực thẳm, suối dữ, sông sâu. Ðể bảo đảm giao thông cho việc cơ động xe pháo và hậu cần chiến dịch, cùng với bộ đội và dân công, lực lượng TNXP giữ vai trò chủ chốt trong việc mở mới và sửa chữa một số trục đường từ chiến khu Việt Bắc lên chiến trường Tây Bắc.

Ðể có thể làm thay đổi cục diện, ngày 3/12/1953, Nava - Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Ðông Dương - ra chỉ thị: “Về việc điều hành những cuộc hành quân ở vùng Tây Bắc - Bắc kỳ”. Trong đó, yêu cầu không quân: “Những điểm cần đánh phá với sức mạnh tối đa, là: Trên trục đường QL13, đặc biệt là điểm nút giao thông Yên Bái và bến phà Tạ Khoa. Trên đường 41, là vùng Cò Nòi và Hát Lót”. Vinh quang thay đại đội TNXP 406 (thuộc Ðội 40) được giao trấn giữ Pha Ðin! Vinh quang thay quốc lộ 13, quốc lộ 15 và quốc lộ 41! Những con đường được làm ra và được bảo vệ bởi bàn tay và khối óc, bởi sức lực và máu xương của hàng chục nghìn cán bộ, đội viên TNXP. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ kết thúc, đèo Pha Ðin mặc nhiên đi vào thơ ca nhạc họa, đi vào lịch sử và trở thành niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Lai Châu nói riêng.

 

Người dân xã Tỏa Tình chăm sóc cây sa nhân. Ảnh: Lường Phượng

Ngày 6/3/2005, Chính phủ quyết định dành khoản kinh phí (khái toán) 2.600 tỷ đồng, cho việc nâng cấp quốc lộ 6A lên Tây Bắc. Trước đó, đèo Pha Ðin dài 32km (từ km 360 đến km 392), có thuyết cho rằng Pha Ðin theo tiếng Thái nghĩa là đèo “Trời đất”; ý nói con đèo đất cao đến tận trời để “ông trời và bà đất gặp nhau” cho thoả niềm thiên địa trùng phùng. Trên thực tế, đây là nơi tiếp giáp giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Ðiện Biên, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phình. Mái Ðông, Pha Ðin thuộc xã Phụng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La; mái Tây, Pha Ðin bắt đầu từ xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Ðiện Biên... Dự án hoàn thành, đèo Pha Ðin từ 125 khúc cua đặc biệt nguy hiểm trên chiều dài 32km, xuống còn 60 cua trên chiều dài 26km; có cua rộng tới 60 mét, độ dốc hạ xuống tối đa 8% thay vì 10% - 12% trước đây. Ðặc biệt mặt đường rộng gấp gần 2 lần, giúp cho vận tốc ôtô nhanh gấp 4 lần mà độ an toàn lại lớn hơn ngay cả với xe siêu trường siêu trọng.

Mấy năm gần đây, nắm bắt nhu cầu của thị trường, một số hộ tư nhân huyện Tuần Giáo (tỉnh Ðiện Biên) và huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) tổ chức các dịch vụ du lịch trên đèo Pha Ðin. Trong đó, chiếm “thị phần” lớn nhất là khu du lịch “Pha Ðin Pass” do Hợp tác xã Pha Ðin Pass đầu tư xây dựng với diện tích vài chục hecta, tạo cảm giác thoải mái cho du khách khi nghỉ ngơi, vui chơi, mua sắm, ăn uống và thưởng ngoạn. Hôm nay, đứng giữa “ngọn đồi chong chóng” với nhiều màu sắc bắt mắt, ông Ðinh Văn Tuấn (Quản lý Khu du lịch Pha Ðin Pass), cho biết: “Mấy hôm rồi rét quá nên khách du lịch không nhiều lắm. Sang năm chúng tôi sẽ đầu tư mở rộng khu du lịch, trên cơ sở sự cho phép của UBND huyện Tuần Giáo và những gợi ý về chuyên môn của các đơn vị chức năng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên”. Mùa này Tây Bắc không có hoa ban, nhưng Pha Ðin vẫn rất đẹp bởi các loài hoa khác (với vai trò chủ đạo là hoa tam giác mạch) và một cảm giác nên thơ khi lòng ta bồng bềnh với gió núi mây ngàn, với núi non điệp điệp trùng trùng...

Trong chương trình làm việc, đoàn văn nghệ sỹ chúng tôi có cuộc tiếp xúc với Trạm Viễn thông Quân đội, Trường Tiểu học Tỏa Tình và lãnh đạo UBND xã Tỏa Tình. Ngay tại nhiệm sở UBND xã, thông tin đầu tiên mà ông Mùa A Dề - Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình - đưa ra là sáng hôm qua do nhiệt độ trên đèo xuống thấp nên xã chỉ đạo các bản chuyển đàn vật nuôi (chủ yếu là trâu, bò và dê) xuống khu vực vùng thấp dưới chân đèo để tránh rét. Ðầu tuần qua lãnh đạo xã đã họp bàn việc định hướng phân vùng quy hoạch ba loại cây công nghiệp dài ngày. Tinh thần chung là những bản vùng thấp sẽ phát triển các loại cây (con) kém chịu rét; những bản ở cao hơn, khí hậu lạnh hơn sẽ phát triển các loại cây (con) khả năng chịu rét tốt hơn.

Theo lời ông Sùng A Chứ - Phó Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình - các cháu học sinh đã cho nghỉ học mấy hôm và năm nay có thể cũng rất rét nhưng chắc không đến mức khắc nghiệt như trận rét đậm rét hại cuối tháng 1/2016, khiến toàn bộ cây trồng, gia súc, gia cầm của nhân dân bị ảnh hưởng bởi băng tuyết. Phần lớn diện tích cây ăn quả lưu niên và diện tích rừng trồng, rừng bảo vệ trong nhiều năm qua bị táp lá, nhiều cây gẫy đổ vì không chịu nổi sức nặng của băng tuyết. Thống kê của UBND xã Tỏa Tình, cho thấy khoảng 80% diện tích cây cà phê trong xã và hàng trăm con gia súc bị chết rét, khiến nhiều hộ nông dân lao đao vì mất một nguồn thu quan trọng. Tại các bản: Hua Sa A, Hua Sa B, Háng Tầu... lạnh đến mức cây cỏ còn không qua nổi... Cũng theo ông Sùng A Chứ, từ khi quốc lộ 6 hoàn thành việc nâng cấp, đời sống nhân dân trong xã có phần khó khăn hơn do đoạn quốc lộ nâng cấp không chạy qua khu vực trung tâm xã Tỏa Tình. Quốc lộ không chạy qua có nghĩa các phương tiện nói chung và xe khách nói riêng không qua, khiến một số mặt hàng như: Măng khô, mật ong, sơn tra, sa nhân, thảo quả, mắc ca... của người dân tiêu thụ chậm hơn.

Chúng tôi rời Tỏa Tình khi sương chiều mỗi lúc một đan dày. Xe đổ đèo thật chậm vì đường trơn, vì trời mù và vì những sẻ chia trĩu nặng tâm tư của các văn nhân. Mọi người bảo nhau quan sát nhưng không thấy điểm di tích Thanh niên xung phong đâu, thì ra, ngay cả điểm di tích này cũng “nằm lại” với cung đường cũ, sau hơn sáu thập niên bị “lãng quên” mà chả hiểu vì sao...

Bút ký của Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top