Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc, huyện Mưởng Ảng

Một nguồn vốn “tiếp sức” cho phát triển

22:03 - Thứ Tư, 21/02/2018 Lượt xem: 8346 In bài viết

ĐBP - Được chia tách và thành lập theo Nghị định 135/2006/NĐ-CP của Chính phủ, sau hơn 10 năm phấn đấu, huyện Mường Ảng đã có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội... Bên cạnh những nỗ lực tự thân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, thì các nguồn vốn đầu tư mà Đảng và Chính phủ ưu ái dành cho huyện có vai trò vô cùng quan trọng; trong đó, đương nhiên phải kể đến nguồn vốn vay nước ngoài, giai đoạn 2011-2016...

 

Ông Lò Văn Sớn (người đứng), Chủ tịch UBND xã Mường Lạn, phát biểu trong một hội nghị về phát huy nguồn vốn đầu tư phát triển, do UBND xã Mường Lạn tổ chức.

Theo Quyết định số 2070/QĐ-UBND ngày 25/11/2009 của UBND tỉnh Điện Biên, phê duyệt Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc, sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới WB. Tính đến cuối năm 2016, tổng giá trị vốn vay Dự án là 94.526,317 triệu đồng, gồm 3 hợp phần (42.225,794 triệu đồng; 47.269,08 triệu đồng và 5.031,443 triệu đồng). Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn II, huyện Mường Ảng được thực hiện trên địa bàn 107 bản của 8 xã vùng dự án, trong đó: Xã Mường Lạn có 12 bản được thụ hưởng; xã Xuân Lao có 20 bản; xã Nặm Lịch có 10 bản; xã Búng Lao có 18 bản; xã Ẳng Tở có 15 bản; xã Ẳng Nưa có 11 bản; xã Mường Đăng có 12 bản và xã Ngối Cáy có 9 bản. Hàng năm, UBND huyện Mường Ảng chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện phối hợp với Ban phát triển các xã xây dựng kế hoạch sử dụng vốn vay nước ngoài, gửi Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đồng thời gửi bản kế hoạch trình Ngân hàng thế giới (WB) chấp thuận để làm cơ sở tổ chức, triển khai.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Việc triển khai các chương trình giảm nghèo đã góp phần nâng cao mức sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh trung bình khoảng 6,3%/năm. Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc được ban hành một cơ chế riêng được thể hiện bằng Sổ tay hướng dẫn dự án, sổ tay hướng dẫn quy trình và cách thức thực hiện các hoạt động trong dự án và công tác liên quan như: Công tác lập kế hoạch, công tác theo dõi, báo cáo, công tác quản lý tài chính, công tác đấu thầu mua sắm và hệ thống các mẫu biểu để tiện sử dụng. Từ năm 2011-2016, UBND huyện luôn bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhiệm vụ, kế hoạch được Ban chỉ đạo tỉnh, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh giao, tập trung chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm sát với thực tế nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả dự án tại địa phương. Chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện; Ban phát triển các xã căn cứ vào kế hoạch chung của toàn huyện, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết theo từng tháng, từng quý, từng năm sát với thực tiễn và phân công nhiệm vụ cụ thể, nâng cao trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ trong ban, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để đảm bảo mọi hoạt động được thông suốt và đạt hiệu quả cao, những năm qua UBND huyện đã thường xuyên chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện thực hiện tốt sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo tỉnh, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh; đồng thời duy trì thực hiện cơ chế phối hợp trong công tác đối với các phòng ban chuyên môn trong huyện. Thường xuyên chỉ đạo Ban phát triển các xã thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Ngân hàng thế giới và Chính phủ Việt Nam. Các cuộc họp giao ban, hội nghị triển khai công tác được đổi mới về cách thức tổ chức, thành phần tham dự và rút ngắn về thời gian nhưng vẫn đảm bảo triển khai kịp thời và đạt chất lượng, do đã được chuẩn bị chu đáo về nội dung chương trình.

 

Một góc bản Cha Cuông, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng. 

Nói về hoạt động của Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện, Bí thư Huyện ủy Trương Quang Hải cho biết: Đơn vị đã thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo với Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, Ban chỉ đạo tỉnh, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh, duy trì và tiếp tục đề cao kỷ luật trong việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo. Thực hiện tốt việc xử lý văn bản theo đúng quy định, kịp thời giao nhiệm vụ cho các bộ phận tham mưu, đề xuất biện pháp triển khai, tổ chức thực hiện bảo đảm yêu cầu và tiến độ đề ra. Với sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh và phương thức hoạt động linh hoạt của Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện, cùng với sự cố gắng của tập thể cán bộ ban, các hướng dẫn viên cộng đồng (CF) và Ban phát triển các xã đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện dự án có hiệu quả và đảm bảo mục tiêu dự án đề ra. Quá trình thực hiện, UBND huyện giao cho Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng... thực hiện thẩm định dự toán, thẩm tra phê duyệt quyết toán hoàn thành. Tuy nhiên việc hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, quyết toán dự án hoàn thành; thời gian thẩm định, thẩm tra quyết toán còn xảy ra tình trạng kéo dài so với kế hoạch.

Như một cách để “kiểm chứng” thông tin, chúng tôi về Mường Lạn - một trong tám xã trên địa bàn Mường Ảng, thuộc Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông Lò Văn Sớn, Chủ tịch UBND xã Mường Lạn, cho biết: Để đánh giá một cách tách bạch kể cũng khó, vì cùng thời điểm trên địa bàn xã có nhiều nguồn vốn được triển khai lồng ghép với nguồn vốn Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc. Nói chung xã chúng tôi thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện, không để thất thoát mà còn phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Cũng như xã Mường Lạn, Búng Lao là một trong tám xã trên địa bàn Mường Ảng, thuộc Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông Lường Văn Bóng, Chủ tịch UBND xã Búng Lao, vui vẻ chia sẻ: Đến thời điểm này xã Búng Lao đã đạt được 10/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Dẫu chưa hoàn thành nhưng được như thế cũng là cố gắng của chính quyền và nhân dân trong xã, trên cơ sở các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, huyện Mường Ảng đã tập trung vào mục tiêu phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, dần dần hình thành các vùng chuyên canh lúa nước, cây cà phê. Cùng với nguồn vốn của Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo, chính sách đối với người có uy tín, chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, chính sách phát triển nông - lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa... đã được huyện quan tâm chỉ đạo, góp phần giảm bớt những khó khăn cho đồng bào các dân tộc. Bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn một số tồn tại: Sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh thấp, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mức bình quân chung trong tỉnh. Đây được xem là những thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian tới.

Nhìn chung việc triển khai các nguồn vốn đầu tư trong huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và có ý nghĩa rất quan trọng, diện mạo làng bản, phố phường đã có sự khởi sắc rõ nét; đời sống của nhân dân các dân tộc từng bước được nâng lên cả về vật chất cũng như tinh thần. Thực tế trên địa bàn huyện trong những năm qua, cho thấy được sự “tiếp sức” của các nguồn vốn đầu tư, nhiều hộ gia đình đã năng động tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa và phát huy tốt tiềm năng, nội lực để phát triển kinh tế, vươn lên không chỉ thoát nghèo mà còn làm giầu ngay trên quê hương Mường Ảng...

Linh Giang
Bình luận
Back To Top