Góc nhìn nhà báo

Biện pháp cuối cùng

09:12 - Thứ Năm, 15/03/2018 Lượt xem: 9651 In bài viết
ĐBP - Cưỡng chế thi hành là điều mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này. Chúng ta đều thấy, các trường hợp cơ quan chức năng phải thực hiện việc cưỡng chế (cưỡng chế hành chính, cưỡng chế giải tỏa, cưỡng chế kiểm đếm) không phải thường xuyên, song cũng không hề hiếm. Và sau vụ việc cơ quan thi hành cưỡng chế, thường có nhiều luồng thông tin khác nhau. Bên cạnh thông tin chính thống từ các cơ quan truyền thông đại chúng là quan điểm từ dư luận xã hội, sự phản ứng từ đối tượng bị cưỡng chế (cá nhân, hộ gia đình...), người thân quen của đối tượng bị cưỡng chế. Cách phản ứng với các quyết định cưỡng chế của cơ quan chức năng cũng khá nhiều kiểu: từ rào vườn, đóng cổng không cho cán bộ tiếp cận làm nhiệm vụ; sử dụng phương tiện thô sơ chắn đường... còn có cả trường hợp chủ động quay hình, cư xử thiếu văn hóa với người thi hành công vụ, chủ động nói không đầy đủ bản chất vấn đề sau đó đăng tải trên mạng xã hội khiến dư luận hiểu sai, bức xúc với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, gây mất niềm tin vào chủ trương chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước...

Không đề cập đến trường hợp cá biệt, việc cưỡng chế chưa thực sự hợp lý, đã bị pháp luật xem xét kỷ luật nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm. Chúng tôi đang muốn nói đến những vụ việc cưỡng chế thực sự đúng chủ trương, chính sách, nhưng vẫn để xảy ra dự luận bức xúc trái chiều. Cơ quan chức năng chịu trách nhiệm cưỡng chế, cơ quan liên quan nơi diễn ra vụ việc cưỡng chế đã thực sự quyết liệt, năng động, sáng tạo, sử dụng hết phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ hay chưa? Theo quan điểm chúng tôi, trong nhiều trường hợp chưa thực sự quyết liệt, vẫn còn nể nang, tỏ ra yếu thế trước đối tượng bị cưỡng chế cố tình chống đối người thi hành công vụ; không tôn trọng, tuân thủ pháp luật, cư xử đúng chuẩn mực.

Phải thẳng thắn rằng, cưỡng chế dù là về hành chính, kiểm đếm, giải tỏa hay gì đó thì dưới khía cạnh dân vận là không tối ưu, là giải pháp cuối cùng. Nhưng trong đời sống kinh tế - xã hội hiện tại, việc mong chờ không bao giờ có cưỡng chế là thiếu thực tế. Vấn đề chỉ là, vì sao thời buổi công nghệ hiện đại, những trường hợp cố tình chống đối, cố tình thiếu hợp tác, họ biết sử dụng công nghệ cao để tự quay, tự cho mình làm “nhân vật chính” trong các video, nói những vấn đề chưa đúng, chưa đủ, chưa khách quan rồi đưa lên mạng xã hội gây bức xúc, hiểu sai... mà cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ lại yếu thế, e dè trong cuộc chiến này. Thậm chí có những cuộc giải tỏa rành rành chính đáng, cơ quan truyền thông còn không được thông báo, hoặc “biết thông tin rồi thì mời nhà báo đến đưa tin...”. Sự vào cuộc về công tác giáo dục tư tưởng, việc đối thoại sòng phẳng trước vài chục cái máy quay phim, chụp ảnh, ghi âm như đối tượng bị cưỡng chế nhưng thiếu ý thức pháp luật đã từng muốn sử dụng để đưa ra công luận có nên được cơ quan thi hành pháp luật sử dụng hay không? Cha ông ta bao đời nay, nếu vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhân dân; vì sự phát triển thịnh vượng của quê hương, quốc gia dân tộc thì không tiếc thứ gì; kể cả tính mạng, máu xương. Vì thế dù là vấn đề gì, chỉ cần thực sự hợp tác, thì là ai, gia đình, tổ chức nào cũng có thể ít nhất là lắng nghe, trình bày quan điểm nguyện vọng của mình; hy sinh quyền lợi cá nhân của mình trong phạm vi có thể vì cộng đồng; chứ chưa nói đến, gia đình có truyền thống cách mạng, gia đình có công với cách mạng... Với trường hợp này, có lẽ cần xem xét xử lý dứt khoát hơn; không nên để đối tượng cố tình chây ì, cố tình chống đối xem thường pháp luật, lừa dối dư luận, nhân dân.

Thảo Vi
Bình luận
Back To Top