Nậm Pồ hiện thực hóa “Nghị quyết rừng”

09:33 - Thứ Sáu, 16/03/2018 Lượt xem: 9900 In bài viết
ĐBP - Là huyện biên giới có địa hình núi cao chia cắt với diện tích đất lâm nghiệp có rừng lớn, Nậm Pồ xác định phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ và phát huy giá trị rừng một cách bền vững. Vì vậy Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều nội dung quan trọng. Ðến nay, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Nậm Pồ đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận trong công tác này.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Nậm Pồ về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020 đề ra mục tiêu: Bảo vệ số diện tích rừng hiện có (trên 58.000ha); phấn đấu đến năm 2020 khoanh nuôi và xúc tiến tái sinh tự nhiên được 4.000ha phát triển thành rừng; trồng mới 500ha rừng; đến năm 2020 toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn đều có chủ hợp pháp quản lý; nâng độ che phủ rừng của huyện lên 42,5%. Ðể đạt được điều đó, Nghị quyết được hiện thực hóa bằng chương trình hành động cụ thể. Trong năm 2016 - 2017, UBND huyện đã củng cố, kiện toàn ban chỉ huy quản lý bảo vệ - phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) các cấp; tổ chức ký cam kết bảo vệ và phát triển rừng giữa chủ tịch UBND xã với chủ tịch UBND huyện được 2 lượt với 30 người tham gia; chỉ đạo thành lập 188 tổ đội PCCCR cấp bản với 1.922 người tham gia; tổ chức 222 buổi tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR cho 10.916 lượt người; cắm 299 biển tuyên truyền bảo vệ rừng tại các khu vực rừng trọng điểm…

Cùng với đó, UBND huyện cũng quan tâm chỉ đạo triển khai trồng cây phân tán trên địa bàn. Năm 2016 toàn huyện trồng được 25.000 cây; năm 2017 trồng 50.0000 cây. Huyện đã phối hợp, giám sát với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ giao đất, giao rừng cho 128 chủ rừng trên địa bàn, tổng diện tích rừng được giao trên địa bàn huyện là gần 52.000ha. Các chủ rừng được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao nhận thức người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Như tại xã Chà Nưa, với sự quyết liệt, tuyên truyền, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân các bản đã tự bỏ công sức và trích kinh phí từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng mở 7 tuyến đường tuần tra rừng với 33km, nhằm giúp quản lý và hưởng lợi từ rừng tốt hơn. Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa, cho biết: Người dân Chà Nưa hiểu được vai trò và lợi ích kinh tế của rừng nên rất tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Các bản còn lên lịch phân công trực giám sát cửa rừng tại đầu đường tuần tra, lịch thu hái từng loại lâm sản phụ rõ ràng, cụ thể và công khai. Vì vậy mọi người dân đều nhận thức được trách nhiệm “giám sát viên” của mình, không vi phạm và chủ động ngăn chặn vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Hiện Chà Nưa đang phát triển cây sa nhân dưới tán rừng với 522 hộ đã tham gia và trồng được 9,3ha. Không chỉ Chà Nưa mà một số xã khác như Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn, Nậm Nhừ, Na Cô Sa cũng định hướng trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, như: sa nhân, thảo quả, chít… Bước đầu đã cho thu hoạch và được đánh giá có hiệu quả tích cực.

Ngoài tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân trồng rừng, tham gia bảo vệ rừng thì các lực lượng chức năng của huyện cũng tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực quản lý, phát triển, bảo vệ rừng. Trong 2 năm (2016, 2017), trên địa bàn huyện đã phát hiện và xử lý 102 vụ, trong đó: tiến hành khởi tố 12 vụ phá rừng trái pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính 90 vụ. Với những hành động cụ thể, quyết liệt ấy, nhận thức của nhân dân về sử dụng rừng theo hướng bền vững đã được nâng lên đáng kể, theo đó các chỉ tiêu Nghị quyết về bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020 có lẽ sẽ không khó để đạt được trong thời hạn đã định.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top