Góc nhìn nhà báo

Ðừng để mọi chuyện đi quá xa

08:42 - Thứ Năm, 19/04/2018 Lượt xem: 9942 In bài viết
ĐBP - Xác định giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý là giải pháp quan trọng để gắn trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng với việc giúp người dân hưởng lợi từ rừng. Bởi thế, thời gian qua huyện Tuần Giáo đã đẩy nhanh tiến độ, triển khai có hiệu quả việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư. Nhiều khu rừng sau khi được người dân chăm sóc, bảo vệ phát triển, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng. Song bên cạnh những tín hiệu mừng, chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trong quá trình triển khai thực hiện, vì nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế khiến cho các cơ quan chức năng vấp phải sự phản đối, chưa đồng thuận của một số cộng đồng dân cư trên địa bàn hai xã: Mường Khong và Pú Xi.

Chuyện bắt đầu từ việc thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng theo Kế hoạch 388 của UBND tỉnh, năm 2014, UBND huyện Tuần Giáo tạm thời giao cho người dân hai bản: Thẩm Mú, Thẩm Táng (thuộc xã Pú Xi) quản lý, bảo vệ trên 1.900ha rừng và được hưởng dịch vụ môi trường rừng. Ðến năm 2015, người dân bản Huổi Nôm (xã Mường Khong) thấy bản Thẩm Mú, Thẩm Táng được hưởng lợi từ rừng nên có ý kiến với cơ quan chức năng: Diện tích rừng đó nằm trên địa bàn xã Mường Khong và cùng được hai bản Huổi Nôm, Hua Sát bảo vệ để đòi tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ mâu thuẫn đó, nhân dân 4 bản xảy ra tranh chấp đất rừng. Cũng trong thời gian trên, một số hộ dân bản Huổi Nôm đã tổ chức phá rừng để làm nương, song sớm được huyện phát hiện và kịp thời ngăn chặn. Ðến tháng 12/2016, UBND tỉnh Quyết định giao đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa bàn các xã: Ta Ma, Phình Sáng, Mường Khong. Trên cơ sở đó, năm 2017, Ban QLRPH huyện đã tuyên truyền, vận động, tổ chức giao cho 4 bản: Thẩm Táng, Thẩm Mú, Hua Sát và Huổi Nôm cùng chung quản lý, bảo vệ hơn 1.900 ha rừng, song các bên đều không nhất trí.

Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2017, đang trong thời gian vận động, thuyết phục người dân nhận rừng để bảo vệ và hưởng dịch vụ môi trường rừng, các hộ dân bản Huổi Nôm đã tổ chức phá rừng với quy mô lớn (hơn 20ha). Hậu quả của sự việc là đã có 16 đối tượng, trong đó, 10 đối tượng phải chịu án tù, 5 đối tượng hưởng án treo và 1 đối tượng đã bỏ trốn. Ðiều đáng nói là sau khi các đối tượng phá rừng bị trừng trị trước pháp luật, người dân bản Huổi Nôm cương quyết không nhận giữ rừng và yêu cầu cơ quan chức năng thả người. Có thể nói, đây là đòi hỏi không thể chấp nhận được của người dân bản Huổi Nôm. Chưa dừng lại ở đó, theo thông tin mà chúng tôi nắm được, có thời điểm người dân trong bản còn biểu tình bằng cách không cho trẻ đến lớp, không cho trẻ tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng để phản đối việc thi hành án với các đối tượng phá rừng. Việc tổ chức bầu lại trưởng bản vẫn chưa được thực hiện bởi vấp phải sự phản đối từ phía người dân (nguyên nhân phải bầu lại trưởng bản là do một trong số trường hợp phá rừng phải chịu án tù trong đó có trưởng bản).

Với những gì đã và đang xảy ra, đây là một chuyện đáng buồn và đáng phải suy ngẫm trong quá trình tổ chức thực hiện giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Chung quy lại lỗi là do nhận thức của người dân còn hạn chế. Song, ngoài các hình thức tuyên truyền vận động, chính quyền địa phương cần có biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách. Và điều quan trọng nhất là đừng để mọi chuyện đi quá xa, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Văn Quyết
Bình luận
Back To Top