Ðiện Biên hướng về đất Tổ

08:38 - Thứ Tư, 25/04/2018 Lượt xem: 8765 In bài viết
ĐBP - Cứ gần đến ngày quốc giỗ 10/3 (âm lịch) hàng năm, người dân khắp nơi trên cả nước dù “đi ngược, về xuôi” cũng một lòng thành kính tri ân Mẫu Âu Cơ, Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng các vua Hùng. Dù cách xa đất Tổ hơn 400 cây số, nhưng những người con của mảnh đất Ðiện Biên Phủ anh hùng cũng luôn đau đáu hướng về Phong Châu…


Ðoàn viên, thanh niên Báo Ðiện Biên Phủ trồng cây tại Ðền Hùng trong Chương trình “Hành trình về nguồn” năm 2015. Ảnh tư liệu

Theo sử sách, Ðền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Ðền Hùng - quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang xưa. Gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng được tổ chức hàng năm vào ngày 10/3 (âm lịch), là ngày hội chung của non sông Việt Nam, ngày mà mọi trái tim đều hướng về quốc giỗ, là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Có thể thấy được điều đó qua những con số thống kê về lượt khách trẩy hội Ðền Hùng, số lượng sản vật cung tiến hàng năm… Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng Ðiện Biên cũng từng vinh dự được tham gia cung tiến đóng góp cho ngày quốc giỗ. Lễ vật cúng tiến của tỉnh nhà đều là những sản vật đặc trưng của mảnh đất Tây Bắc: Chè cây cao Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, bánh chưng gù dân tộc Thái, bánh dày dân tộc Mông, xôi ngũ sắc, gà trống, rượu lẩu sơ, hoa ban. Ðây là những sản vật chứa đựng bản sắc văn hóa truyền thống cũng như tình cảm của người dân Ðiện Biên; vừa thể hiện tấm lòng thành kính đối với tổ tiên, nguồn cội và cũng là dịp để mang hương sắc Ðiện Biên đến với nhân dân cả nước… Hay chỉ mới đây thôi, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử của tỉnh phối hợp tuyên truyền, tích cực đăng tải những thông tin về giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Ðền Hùng năm 2018. Ðiều đó vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào ngày giỗ Tổ.  Không chỉ vậy, cùng với những người con đất Tổ đang sinh sống, công tác tại Ðiện Biên, vào mỗi dịp quốc giỗ rất nhiều tổ chức, cá nhân mang lòng thành kính, tri ân sâu sắc của con Lạc, cháu Hồng về với Ðền Hùng. Còn đối với những người không có điều kiện vượt đường sá xa xôi về với đất Phong Châu cũng dành thời gian đến các khu văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh, dâng những nén tâm hương với cầu mong quốc thái dân an, ấm no, hạnh phúc. Những việc làm đó tuy nhỏ nhưng thể hiện giá trị truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của mỗi người dân Ðiện Biên.

Niềm thành kính, biết ơn tổ tiên luôn được các thế hệ ghi nhớ, khắc sâu vào tâm thức của mỗi người. Nhưng có lẽ, ngoài việc tưởng nhớ, tri ân bậc tiền nhân, mỗi cá nhân, tổ chức còn phải có trách nhiệm hành động, thiết thực cho quê hương đất nước. Thật vậy, chắc hẳn sẽ không có lễ vật nào cung tiến “Ngày Quốc giỗ” bằng sự hưng thịnh của đất nước, sự no ấm của muôn dân. Bác Hồ từng dạy “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Khắc ghi lời căn dặn đó, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên luôn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân như một phần lễ báo công lên các vua Hùng. Dẫu Ðiện Biên là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn nhưng có thể thấy những thành tích đó qua những con số cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước quý I/2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 2.500 tỷ 917 triệu đồng, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt văn hóa, xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, công tác xóa đói giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội thực hiện có hiệu quả, tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cùng với đó, tỉnh Ðiện Biên còn chú trọng những hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, chăm lo cho thương bệnh binh, những người đã hi sinh để bảo vệ cho nhân dân được hòa bình, no ấm…

Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba - câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác, như để nhắc nhở thế hệ đi sau luôn tưởng nhớ Quốc Tổ và các đấng tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Và không phải cứ đến tháng 3 mới nhớ về nguồn cội, mà lòng thành kính tri ân tổ tiên luôn ở trong tâm khảm mỗi người và được thể hiện bằng những việc làm thiết thực để có thể xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh và phồn vinh, xứng đáng với công lao của các bậc tiền nhân.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top