TP. Ðiện Biên Phủ

Ðẩy mạnh truyền thông nâng cao chất lượng dân số

08:52 - Thứ Tư, 25/04/2018 Lượt xem: 9721 In bài viết
ĐBP - Truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ), qua đó từng bước nâng cao chất lượng dân số. Chính vì vậy, TP. Ðiện Biên Phủ luôn chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Ðiện Biên Phủ tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Huyền Lâm

Thời gian qua, với sự nỗ lực trong công tác tham mưu, phối hợp và tuyên truyền của hệ thống truyền thông dân số đã huy động được 100% cấp ủy Ðảng, chính quyền vào cuộc chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân số - KHHGÐ. Trong đó, truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề, tư vấn tại hộ gia đình là hoạt động tuyên truyền đặc thù và chủ yếu. Riêng trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức 811 buổi truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp tại cộng đồng, thu hút 20.048 lượt người nghe trực tiếp; truyền thông qua loa xã được 702 lượt. Nội dung giáo dục giới tính, bình đẳng giới, dân số - KHHGÐ được tập trung tuyên truyền thông qua hoạt động ngoại khóa tại các trường trung học phổ thông, thu hút đông đảo học sinh tham gia... Trong năm 2017, thành phố có 4.410 lượt phụ nữ được khám thai; 889 phụ nữ được quản lý thai nghén; gần 99% phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế; 100% bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc tuần đầu sau sinh; sàng lọc trước sinh đạt 100%; công tác truyền thông về làm mẹ an toàn cho các cấp chính quyền và đối tượng đích được tăng cường và đem lại hiệu quả cao....

Cùng với đó, TP. Ðiện Biên Phủ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành của các nhóm đối tượng về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; không kết hôn sớm; không kết hôn cận huyết thống. Ðồng thời đặt ra mục tiêu cụ thể: Ðến năm 2020, thành phố có 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có kiến thức về lợi ích của sàng lọc trước sinh, sơ sinh; 70% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đồng ý tham gia sàng lọc trước sinh, sơ sinh (nếu mang thai, sinh đẻ); 90% vị thành niên, thanh niên từ 15 - 24 tuổi chưa kết hôn được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn; 100% vị thành niên, thanh niên từ 15 - 24 tuổi cư trú ở vùng dân tộc, ở xã có tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống có kiến thức về tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành vi của người dân về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; ngăn chặn các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, góp phần giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Với mục tiêu đặt ra, 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có đầy đủ kiến thức về các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; 55% nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đồng ý không lựa chọn giới tính thai nhi; 90% nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có kiến thức về nguyên nhân, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh; 90% vị thành niên, thanh niên từ 15 - 24 tuổi có đầy đủ kiến thức về các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; 95% cặp vợ chồng có đầy đủ kiến thức về KHHGÐ (biết lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, biết địa phương mình cần phải giảm mức sinh hay cần duy trì mức sinh, biết nơi cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGÐ...)

Ðể công tác truyền thông đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục giới tính, tư vấn về SKSS/KHHGÐ: Tuyên truyền, giáo dục tại các thôn, bản có mức sinh cao, khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ KHHGÐ. Cung cấp thông tin, hỗ trợ cộng đồng đưa nội dung truyền thông dân số và phát triển lồng ghép vào các cuộc họp, sinh hoạt văn nghệ, thể thao, giải trí của nhân dân tại khu dân cư. Vận động, huy động các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia truyền thông, ủng hộ các hành vi có lợi về dân số và phát triển. Duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp của đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế bản khi đến thăm hộ gia đình. Ðặc biệt, Trung tâm Dân số - KHHGÐ TP. Ðiện Biên Phủ tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị như: Giáo dục và Ðào tạo, Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, cộng đồng dân cư để hình thành, mở rộng mô hình giáo dục, truyền thông cho vị thành niên, như: Nhóm giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ, góc thân thiện tại các trường phổ thông, các khu dân cư và tại cơ sở cung cấp dịch vụ dân số, SKSS, đảm bảo cung cấp các dịch vụ mang tính thân thiện, bình đẳng, riêng tư, bảo mật và phù hợp với tâm lý của vị thành niên và thanh niên.

Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top