Nỗi buồn mang tên lá ngón

09:03 - Thứ Năm, 28/06/2018 Lượt xem: 9609 In bài viết
ĐBP - Câu chuyện tự tử bằng lá ngón nhiều năm nay đã trở thành nỗi ám ảnh không nguôi ở các bản vùng cao. Loại cây này là nguyên nhân dẫn đến những cái chết bất thình lình, cướp đi sự bình yên nơi núi rừng Tây Bắc. Và đau xót hơn cả là trong số những người tự tử bằng lá ngón còn có những học sinh tuổi đời còn quá nhỏ. Ðó là bài học cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và cộng đồng hãy quan tâm, giáo dục con trẻ nhiều hơn nữa, nhất là trong những kỳ nghỉ hè.

 

Anh Vừ A Láng (ngồi giữa) tâm sự với giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Ma Thì Hồ.

Cách đây gần 2 tháng, 4 học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà), gồm: Vừ Thị Mai Hoa (10 tuổi), Sùng Thị Sính (11 tuổi), Sùng A Vương (9 tuổi) và Tráng Thị Sua (9 tuổi); cùng ở bản Hô Chim 1, xã Ma Thì Hồ đã rủ nhau ăn lá ngón để tự tử. Nhờ được phát hiện sớm, đưa đi cấp cứu kịp thời, 2 cháu Sính và Sua thoát nạn; còn Vương và Hoa thì đã tử vong. Sự việc xảy ra đột ngột, trở thành nỗi ám ảnh với người dân và giáo viên trong trường suốt thời gian qua. Ðược giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Ma Thì Hồ dẫn đường, chúng tôi đến thăm nhà em Vừ Thị Mai Hoa. Ngôi nhà nằm sát đường đi của dân bản, có nhiều người qua lại nhưng bao trùm lên đó là sự âm u và lạnh lẽo. Khi chúng tôi đến, cũng là lúc anh Vừ A Láng (bố của em Vừ Thị Mai Hoa) vừa đi làm về. Nhìn ánh mắt u buồn của anh, chúng tôi đã phần nào thấu hiểu được nỗi đau của người bố trẻ mất con. Có lẽ vì quá đau lòng nên sau hồi lâu tâm sự, anh Láng mới mở lời: Gia đình tôi có 3 cháu, trong đó Vừ Thị Mai Hoa là con lớn; còn 2 cháu trai, thì 1 cháu học lớp 3 và 1 cháu học mẫu giáo. Ở nhà, cháu Hoa là đứa rất ngoan, hiền nên gia đình cũng không bắt cháu phải làm nương hay lên rừng kiếm củi, mà chỉ ở nhà trông nom các em thôi.

Nói đến đây, anh Láng nghẹn ngào. Thấy vậy, chúng tôi không gặng hỏi thêm gì nữa. Theo lời kể của anh Láng, cháu Hoa hay đi chơi cùng nhóm với Vương, Sính và Sua nên gia đình sợ mải chơi, nghịch ngợm, đã cấm các cháu chơi với nhau. Buổi sáng hôm xảy ra sự việc, cháu Hoa vẫn đến trường, học tập bình thường. Ðến chiều, anh Láng đi làm về không thấy con gái, hỏi ra mới biết cháu Hoa đi theo nhóm Vương, Sính và Sua lên rừng kiếm củi. Nghĩ rằng, cháu Hoa đi chơi với các bạn như ngày thường nên không để ý. Gần tối, nghe tin 3 cháu kia ăn lá ngón tự tử, gia đình anh Láng mới lo lắng đi tìm nhưng khi tìm thấy thì đã muộn. Anh Láng cho biết thêm: Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu được tại sao cháu Hoa lại làm điều dại dột ấy, bởi vì bố mẹ không hề đánh, mắng cháu. Tôi nghĩ rằng, do cháu Hoa không biết cây lá ngón nên tò mò ăn thử mới đến nông nỗi này. Câu chuyện buồn ấy đã qua gần 2 tháng, nhưng các thành viên trong gia đình anh Láng, cũng như bà con trong bản vẫn chưa hết bàng hoàng và thương tiếc bởi sự ra đi của cháu Hoa.

Rời nhà anh Vừ A Láng, chúng tôi đến thăm nhà em Sùng A Vương. Ðó là ngôi nhà gỗ trống huếch, trống hoác, được đan bởi những thanh nứa nằm chon von ngay bên sườn đồi. Từ khi cháu Vương ăn lá ngón tử vong, nhà càng thêm lạnh lẽo. Thật không may cho chúng tôi, gia đình Vương đi làm nương hết, không có ai ở nhà. Ðứng trước mái hiên, cô giáo Nguyễn Thanh Hải, cho biết: Em Vương là học sinh tiếp thu kiến thức rất nhanh nhưng mẹ kế thường bắt nghỉ học để đi làm nương. Vì vậy, nhiều lần ban giám hiệu, cô giáo chủ nhiệm phải lên tận nương để động viên gia đình cho em tiếp tục đi học và đón Vương về trường. Hoàn cảnh gia đình em Vương khá éo le, bố mẹ bỏ nhau, em sống cùng với mẹ kế nên thiếu hơi ấm tình thương, sự quan tâm của mẹ. Ðiều đó khiến Vương thường tỏ ra tự ti và chán nản, vì nghĩ rằng không ai quan tâm tới mình nữa. Biết được điều đó nên dù Vương không thuộc diện ăn bán trú nhưng nhà trường vẫn tạo điều kiện giúp em được ăn, ở theo chế độ bán trú. Tuy nhiên, do còn nhỏ, suy nghĩ  bồng bột, em Vương đã tìm đến cái chết bằng lá ngón. Ðược biết, trước đó nhiều lần Vương rủ bạn đi ăn lá ngón, nhưng các bạn đó không ăn, bỏ về nên Vương cũng về theo. Lần này, cả 4 em đều dại dột rủ nhau ăn lá ngón nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy. Sau khi nghe Sính và Sua kể lại, các thầy, cô giáo trong trường mới biết được lý do em Vương ăn lá ngón tự tử là do bố mẹ không quan tâm nữa nên em mới ăn lá ngón để kết thúc cuộc đời.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Lương Chí Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ma Thì Hồ, cho biết: Ở tỉnh miền núi như Ðiện Biên, tình trạng tự tử bằng lá ngón rất nhiều, vì loại cây này dễ tìm, mọc ở khắp các bản làng, trong rừng hay trên nương đều có. Năm học 2017 - 2018, Trường PTDTBT Tiểu học Ma Thì Hồ có 23 lớp, 462 học sinh; trong đó có 451 học sinh người dân tộc thiểu số (3 học sinh dân tộc Thái, còn lại là học sinh dân tộc Mông). Ban Giám hiệu lo lắng học sinh người dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông, rất hay tìm lá ngón để tự tử vì những mâu thuẫn vụn vặt với gia đình. Chính vì vậy, để tránh những cái chết oan uổng vì lá ngón, ngay đầu các năm học, nhà trường đã thu thập tài liệu về các loại cây độc để phổ biến cho học sinh biết và nhận diện, trong đó có cây lá ngón. Ðồng thời, tuyên truyền về tác hại, hậu quả khi ăn phải loại cây này; cùng với đó là dặn dò học sinh nếu thấy các bạn ăn lá ngón phải báo ngay với người lớn. Ðối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy, cô giáo chủ nhiệm thường xuyên động viên, chia sẻ giúp các em vượt qua khó khăn. Ðồng thời, đề nghị với chính quyền xã tổ chức, phát động nhổ bỏ cây lá ngón quanh khu dân cư. Mặc dù rất nỗ lực tuyên truyền nhưng sự việc vừa xảy ra khiến nhà trường hết sức lo lắng hơn khi mùa nghỉ hè đang đến gần. Vì vậy, trước khi nghỉ hè, nhà trường đã khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy quan tâm đến các em; nhất là trẻ em vùng cao cần hướng dẫn cho trẻ biết cách phân biệt loại cây cực độc này với những cây khác.

Chia tay gia đình anh Láng, chúng tôi không thể nào quên ánh mắt u sầu của anh khi nhìn 2 đứa con thơ và lời anh  dặn 2 con: “Ðừng bắt chước theo chị Hoa nhé!”. Có lẽ, những đứa trẻ ngây thơ chưa thể hiểu hết điều gì đã xảy ra với chị và cũng chưa hiểu hết được lời căn dặn của bố, nhưng chúng tôi cho rằng lời dặn dò đó không thừa. Từ những sự việc đáng tiếc đó, chúng tôi thiết nghĩ các bậc phụ huynh, nhà trường và cộng đồng cần quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hướng dẫn các em tránh xa loại cây độc này, để không còn những cái chết oan uổng xảy ra, nhất là lứa tuổi học trò.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top