Ðổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn

08:32 - Thứ Sáu, 29/06/2018 Lượt xem: 9848 In bài viết
ĐBP - Tỉnh Ðiện Biên hiện có 36.139 cán bộ công chức, viên chức, công nhân, lao động (CNVCLÐ), 10 LÐLÐ huyện, thị xã, thành phố, 3 công đoàn ngành và công đoàn viên chức tỉnh, 1.069 công đoàn cơ sở (CÐCS). Là tỉnh có điểm xuất phát về kinh tế thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp chưa mạnh, đời sống của đoàn viên lao động còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Công đoàn tỉnh Ðiện Biên xác định: Dân chủ, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn; vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định sự thành công nhiệm kỳ X Ðại hội Công đoàn tỉnh, phù hợp điều kiện hiện nay.

Ðể hoàn thành nhiệm vụ trên, Ban Thường vụ LÐLÐ tỉnh xác định trước hết phải đổi mới công tác tuyên truyền sao cho sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng định hướng tuyên truyền của Ðảng. Theo đó, các cấp công đoàn tích cực triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, tập trung vào các nội dung chủ yếu như: tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản luật mới ban hành; tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW, Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 08/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần năng động sáng tạo của cán bộ công đoàn và đoàn viên, người lao động trong việc tham gia xây dựng Ðảng trong sạch vững mạnh, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn; tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến CNVCLÐ.

Ðổi mới các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các phong trào thi đua yêu nước được các cấp công đoàn tổ chức đăng ký, ký kết giao ước thi đua, tổng kết khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, biện pháp thiết thực, hiệu quả theo từng thời gian gắn với các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn phù hợp với từng địa phương, ngành nghề ... Qua các phong trào thi đua đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn, 80% tập thể và 90% cá nhân đạt lao động tiên tiến, 15% đạt chiến sĩ thi đua các cấp. Hàng năm đã có hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân điển hình tiên tiến, hàng ngàn sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, vào lĩnh vực quản lý, trong đó Tổng LÐLÐ Việt Nam đã công nhận 9 bằng lao động sáng tạo; nhiều tập thể, cá nhân được Ðảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn khen thưởng.

Một trong những đổi mới trong nhiệm kỳ qua đó là tổ chức các hoạt động trong “Tháng Công nhân”. Tháng 5 hàng năm được Ban Thường vụ LÐLÐ quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện, nhờ đó nhiều hoạt động thiết thực được các cấp Công đoàn triển khai để người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”, tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên công đoàn; các hoạt động gặp gỡ, trao đổi giữa chính quyền, người sử dụng lao động với người lao động, qua đó nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách trong đoàn viên công đoàn, CNVCLÐ.  “Tết sum vầy” cho CNLÐ được Ban Thường vụ LÐLÐ tỉnh tổ chức hàng năm, cũng là hoạt động thể hiện sự quan tâm, sẻ chia, chăm lo của tổ chức công đoàn với người lao động, hàng nghìn suất quà cho đoàn viên lao động có hoàn cảnh khó khăn, đoàn viên lao động nghèo được trao trong dịp này; phối hợp với đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ phương tiện, vé xe, quà tết cho CNLÐ ở xa quê.

Ngoài ra, LÐLÐ tỉnh đổi mới công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; chú trọng bồi dưỡng phát triển Ðảng trong các cơ quan, đơn vị và triển khai nhiều hoạt động xã hội từ thiện.

Phát huy kết quả đạt được trong nhiệm kỳ X, Công đoàn tỉnh, sẽ tập trung vào một số nội dung:

Ðổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động công đoàn nhằm phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của Ban chấp hành công đoàn các cấp trước đoàn viên, người lao động. Hoạt động công đoàn hướng về cơ sở, cán bộ công đoàn cần nắm chắc cơ sở, sát người lao động, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, giúp giải quyết những khó khăn, nhất là những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống của đoàn viên và người lao động.

Cần chuyển đổi từ phương thức chỉ đạo hành chính sang phương thức trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ, tổ chức cho công đoàn cơ sở chủ động thực hiện nhiệm vụ. Có cơ chế để công đoàn các cấp phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn với trách nhiệm trong hoạt động công đoàn phù hợp với thực tiễn ngành, địa phương, cơ sở.

Giữ vững nguyên tắc “Tập trung dân chủ”. Thực hiện tốt các quy định về phân công trách nhiệm. Tăng cường mối quan hệ và thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp với HÐND, các ngành, các đơn vị trong hệ thống Công đoàn.

Chủ động xây dựng chương trình hoạt động toàn khóa, các chương trình công tác chuyên đề phù hợp với nhiệm vụ của địa phương, xây dựng kế hoạch tập huấn. Tuyên truyền, tổ chức thực hiện kịp thời các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội XI Công đoàn tỉnh, Nghị quyết XII công đoàn Việt Nam sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

Tăng cường chỉ đạo điểm, xây dựng mô hình. Phát huy tính tích cực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công đoàn, trí tuệ của đoàn viên, người lao động. Ðịnh kỳ tổ chức đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Hoàng Ngọc Vinh

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LÐLÐ tỉnh

Bình luận
Back To Top