Lao động không mặn mà “xuất ngoại”

15:33 - Thứ Sáu, 29/06/2018 Lượt xem: 9496 In bài viết
ĐBP - Xác định xuất khẩu lao động (XKLÐ) là một trong những giải pháp hữu hiệu tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương; thời gian qua rất nhiều các chính sách liên quan đến XKLÐ đã được triển khai thực hiện. Tạo thuận lợi cho lao động xuất cảnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và ban hành văn bản chấp thuận cho các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hướng dẫn, chỉ đạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người lao động hoàn tất các thủ tục nhanh gọn, Thông tin tuyên truyền các chương trình XKLÐ. Cấp tỉnh, cấp huyện, Trung tâm Giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLÐ đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn chính sách, pháp luật về XKLÐ cho cán bộ cấp huyện, xã, thôn bản và người lao động. Tuyên truyền lưu động đến các thôn, bản trong đó tập trung vào thanh niên lao động nông thôn, học sinh, sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường… Từ đó đã góp phần thay đổi tư duy nhận thức của người lao động với công tác XKLÐ.

 

ĐVTN huyện Điện Biên tìm cơ hội việc làm, chính sách XKLĐ tại Hội chợ việc làm năm 2018 do Trung tâm Giới thiệu việc làm tổ chức.

Năm 2017, có 47 lao động xuất cảnh sang làm việc tại nước ngoài (tập trung chủ yếu vào thị trường Nhật Bản, Ðài Loan, Hàn Quốc, Lào). 6 tháng đầu năm 2018 đã có 21 lao động xuất cảnh. Số lao động đã học xong ngoại ngữ, định hướng tăng cao. Tuy nhiên so với tiềm năng từ nguồn lao động dồi dào của tỉnh thì còn quá khiêm tốn. Mặc dù người lao động có thu nhập tương đối tốt tại các thị trường việc làm ở nước ngoài. Bình quân tu nghiệp sinh tại Nhật Bản có thu nhập khoảng 22 - 27 triệu đồng/người/tháng, Hàn Quốc từ 17 - 25 triệu đồng/người/tháng, Ðài Loan từ 13 - 14 triệu đồng/người/tháng. Một số thị trường khác thu nhập thấp hơn, như: Ả rập xê út, Lào, Malaysia dao động trung bình từ 7 - 14 triệu đồng/người/tháng (tùy từng vị trí, việc làm).

Theo đánh giá của ngành chức năng, người lao động làm việc tại thị trường nước ngoài có việc làm ổn định, thu nhập khá tốt mà còn có điều kiện tiếp xúc, học tập thêm về chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Sau khi hết thời hạn hợp đồng về nước có vốn đầu tư phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống gia đình, xã hội. Lợi ích của việc XKLÐ là rất rõ, song vì nhiều nguyên nhân mà khá nhiều người trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia XKLÐ lại chưa mặn mà. Chủ yếu là do người lao động ngại thoát ly sống xa gia đình, thôn bản; ngại tiếp cận với môi trường làm việc mới. Bên cạnh đó vấn đề thu nhập cũng khiến người lao động có ý định xuất cảnh làm việc phải đắn đo, cân nhắc. Ðó là tại thị trường một số nước, như: Malayisa, Ả rập Xê út... người lao động dễ vượt qua các đợt sát hạch về ngoại ngữ, nhưng thu nhập lại chưa được cải thiện nhiều, trong khi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng có nhu cầu tuyển lao động tương đối lớn, chủ yếu là lao động phổ thông (thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng) mà không mất nhiều chi phí. Ngược lại thị trường các nước có thu nhập cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðức phải thi tuyển ngoại ngữ, tay nghề cạnh tranh toàn quốc, nên lao động của tỉnh rất khó “lọt” khi đăng ký tham gia.

Tại Tủa Chùa - huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ, chương trình xuất khẩu lao động đã được đưa vào nghị quyết Ðảng bộ huyện và nghị quyết Ðảng ủy xã, thị trấn trên địa bàn và được xác định là một trong những nội dung, chỉ tiêu quan trọng nhằm xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương. Hiện nay có 9 đơn vị hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu để tuyển chọn. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp thông báo tuyên truyền, phổ biến các văn bản về chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến chương trình XKLÐ, lợi ích khi tham gia XKLÐ đến các xã, thôn bản, người lao động trên địa bàn 12/12 xã, thị trấn. Tuy nhiên, rất ít lao động đăng ký đi làm việc tại nước ngoài. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn chỉ có 5 lao động đã tuyển dụng đi học đào tạo định hướng và học ngoại ngữ; trong đó 2 lao động đã tham gia thi tiếng Hàn Quốc để đi làm việc; được vay vốn ký quỹ đi XKLÐ.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top