Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra

08:51 - Thứ Tư, 15/08/2018 Lượt xem: 10001 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, Thanh tra tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác, góp phần đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, bám sát sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh và sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, Thanh tra tỉnh chủ động tham mưu và thực hiện nhiều giải pháp đổi mới công tác điều hành, bám sát những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền.

Ông Phan Văn Thống, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Thực hiện chủ trương của ngành, năm 2018 Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận như: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên khoáng sản, quản lý tài chính, ngân sách... Ðến hết tháng 6/2018, toàn ngành đã triển khai thực hiện 52 cuộc thanh tra hành chính (46 cuộc theo kế hoạch, 6 cuộc đột xuất); kết thúc thanh tra 648 cuộc, kết luận 647 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện 43 đơn vị có sai phạm về kinh tế với số tiền hơn 2,45 tỷ đồng và 52.212m2 đất. Thanh tra tỉnh đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,88 tỷ đồng cùng 52.212m2 đất; giảm trừ qua thanh, quyết toán, xử lý khác trên 570 triệu đồng; kiến nghị kiểm điểm để có hình thức xử lý đối với 3 tổ chức và 20 cá nhân liên quan sai phạm. Hiện nay đã thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước trên 1,4 tỷ đồng, đạt 77% tổng số tiền vi phạm. Ðối với công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, thanh tra các sở, ngành và các cơ quan chức năng chuyên ngành đã triển khai tổng cộng 507 cuộc thanh tra, kiểm tra (63 cuộc có thành lập đoàn, 434 lượt độc lập) đối với 210 tổ chức, 1.244 cá nhân. Qua đó, phát hiện 27 tổ chức, 181 cá nhân có vi phạm; kiến nghị thu hồi gần 33 tỷ đồng, giảm trừ qua thanh toán trên 1,1 tỷ đồng; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 2,58 tỷ đồng; xử lý tài sản vi phạm trên 1,8 tỷ đồng. Các lĩnh vực phát hiện và xử lý nhiều là vi phạm giao thông - vận tải, nông nghiệp, văn hóa - thể thao và du lịch, xây dựng. Công tác xử lý sau thanh tra được các cấp, các ngành và các cơ quan thanh tra tăng cường các biện pháp đôn đốc, xử lý thu hồi. Qua thanh tra, đã chỉ rõ những mặt tốt để các đơn vị phát huy, những mặt thiếu sót, lệch lạc để uốn nắn, khắc phục...

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, theo kết quả tự đánh giá, chấm điểm theo bộ chỉ số phòng, chống tham nhũng năm 2017, tỉnh Ðiện Biên đạt 63,61/100 điểm, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vì vậy, hiện ngành Thanh tra cũng như các đơn vị chức năng xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa. Các cấp, ngành đã tổ chức 4 lớp và 14 buổi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng với sự tham gia của 1.216 cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; phát hành 178 cuốn tài liệu về pháp luật phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó, ngành Thanh tra đã phát hiện 1 vụ với 1 người có dấu hiệu tham nhũng, đã chuyển cơ quan công an tiến hành điều tra theo quy định. Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản và thu nhập, toàn tỉnh có 7.485 người kê khai tài sản (đạt 99,91%), chưa phát hiện trường hợp kê khai tài sản không trung thực.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong công tác thanh tra, phát hiện sai phạm và đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Theo Chánh Thanh tra tỉnh Phan Văn Thống, trước hết cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành trong hoạt động thanh tra, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thời gian qua, cũng vì sự chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp, ngành nên có nhiều ý kiến cho rằng: Thanh, kiểm tra quá nhiều! Vì vậy, thời gian tới công tác quản lý kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị cần được đẩy mạnh hơn nữa, từ đó giảm dần công tác thanh tra hành chính. Ðồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, nhất là đối với các lĩnh vực như: quản lý, bảo vệ rừng; vệ sinh an toàn thực phẩm; y tế; giáo dục... Ðối với các kết luận thanh tra khi phát hiện sai phạm, phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm người quản lý trực tiếp để có các kiến nghị xử lý cho phù hợp theo quy định.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top