Pú Nhung vượt lên gian khó

08:42 - Thứ Sáu, 17/08/2018 Lượt xem: 12160 In bài viết
ĐBP - Vùng đất Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) – nơi có anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính và nhiều người con ưu tú khác sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, một lòng tin theo Đảng, đóng góp nhiều công sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày nay, giữa cuộc sống hoà bình, người dân Pú Nhung vẫn vững tinh thần cách mạng, luôn đoàn kết một lòng, cùng vượt lên gian khó để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Người dân xã Pú Nhung chăm sóc vườn mía.

Vùng đất cách mạng Pú Nhung hiện có gần 774 hộ dân sinh sống ở 10 bản, đa phần là người Mông. Từ bao đời nay, người dân Pú Nhung sống trên khu vực vùng núi đá vôi có độ dốc lớn, khan hiếm mạch nước ngầm, mùa khô kéo dài, còn mùa mưa nguy cơ lũ lụt thường xuyên đe dọa không mấy thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Ðể sinh sống, người dân Pú Nhung chỉ có thể dựa vào trồng trọt và chăn nuôi gia súc trên núi cao. Ông Vừ A Kỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung, chia sẻ: Hiện nay, xã còn gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế; diện tích tự nhiên nhỏ, dân số đông, cộng với thời tiết không mấy thuận lợi. Ở Pú Nhung đang tồn tại một nghịch lý là mùa mưa rất dễ bị ngập úng, điển hình là trận lũ lịch sử năm 2015, gây thiệt hại nghiêm trọng và cô lập hoàn toàn bản Ðề Chia C trong nhiều ngày. Nhưng đến mùa khô thì lại thiếu nước trầm trọng. Mà thiếu nước thì khó có thể phát triển nông nghiệp. Toàn xã có 10ha lúa nước nhưng chủ yếu trồng vào vụ hè thu, còn vụ đông xuân chỉ có 1ha có thể canh tác được. Do đó, người dân nơi đây chủ yếu trồng các loại cây ưa cạn như ngô, sắn, lúa nương… Cùng với đó, đường giao thông chính vào xã nhiều năm chưa được nâng cấp, sửa chữa nên khó khăn cho việc đi lại, giao thương của người dân.

Ðứng trước những khó khăn, thách thức đó, cấp ủy, chính quyền xã Pú Nhung định hướng, chỉ đạo người dân tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào phát triển. Ngoài duy trì trồng lúa để đảm bảo lương thực, trồng ngô, sắn, lạc, đậu tương để chăn nuôi gia súc và bán ra thị trường; người dân Pú Nhung tìm các loại cây có giá trị cao như mía, dứa và một số cây khác như cà phê, sa nhân về trồng ở đồng đất quê hương. Bước đầu cho thấy, một số loại cây khá phù hợp với thổ nhưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi đây. Ðơn cử như cây mía, vốn là loại cây công nghiệp khoẻ, dễ tính, không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, thích hợp với loại đất có độ dốc vừa phải, thoát nước tốt lại không phải chăm sóc cầu kỳ. Từ ngày bén rễ đất Pú Nhung, với giá bán ổn định, 1ha mía cho thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng. Chính vì vậy, chỉ trong vòng vài năm, từ một vài hộ ban đầu diện tích cây mía tím của xã đã tăng lên hơn 50ha. Tương tự như vậy, cây sa nhân vốn mọc hoang nên không cần chăm sóc nhiều, lại giúp người dân tận dụng được những khoảng đất trống dưới tán rừng để tăng thu nhập. Hơn nữa, quả sa nhân có giá bán tương đối cao, 500 - 600 nghìn đồng/kg, hứa hẹn sẽ là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân Pú Nhung. Ngoài ra, xã Pú Nhung còn duy trì 45ha cây dứa, hơn 16ha cà phê… đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.

Nhờ sự cần cù lao động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập của người dân Pú Nhung được nâng lên từng ngày. Nhiều hộ gia đình vươn lên trong sản xuất, có mức thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Nhưng xét về mặt bằng chung, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều của xã vẫn còn ở mức cao (54%). Vì vậy, xóa đói giảm nghèo vẫn là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với Ðảng bộ, chính quyền xã Pú Nhung trong thời gian tới. Theo ông Vừ A Kỷ, để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, toàn xã duy trì phát triển ổn định sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản để bảo đảm lương thực, thực phẩm tại chỗ, từng bước ổn định và cải thiện đời sống người dân; đồng thời tập trung chỉ đạo phát triển các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất có hiệu quả. Tiếp tục chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; khuyến khích xây dựng và nhân rộng mô hình điển hình trong sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp trên cơ sở những chương trình, dự án hỗ trợ của các cấp, ngành… Và quan trọng hơn cả, mỗi người dân Pú Nhung cần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đức tính cần cù lao động để vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top