Khó khăn trong công tác dạy nghề ở Nậm Pồ

08:41 - Thứ Tư, 26/09/2018 Lượt xem: 12577 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT), qua đó giúp người lao động có việc làm ổn định, góp phần đáng kể trong xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, công tác dạy nghề còn nhiều vướng mắc dẫn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu về công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn.

Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ, cho biết: Hàng năm, theo kế hoạch của UBND huyện, Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, trên cơ sở đó, hướng dẫn, tổ chức cho người dân đăng ký và ban hành kế hoạch tổ chức các lớp dạy nghề. Tham gia các lớp dạy nghề, học viên tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, áp dụng vào thực tế, tự tạo việc làm tại địa phương.

 

Học viên tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng nấm tại xã Chà Cang.

Trong chuyến công tác về huyện, chúng tôi được tham quan 1 lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò tại bản Phi Lĩnh, xã Si Pa Phìn do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức. Tại đây, học viên được truyền đạt kiến thức về nguyên nhân, cách khắc phục, phòng chống các loại dịch bệnh cho trâu, bò, như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, đầy hơi, chướng bụng… Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, lấy hiệu quả đánh giá kết quả học tập; không chỉ chú trọng phần dạy lý thuyết, Trung tâm chú trọng việc thực hành theo hướng “học đi đôi với hành”. Anh Phàng A Phi là học viên tham gia học nghề đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò chia sẻ: Trong quá trình học, tôi luôn cố gắng nắm vững kiến thức giáo viên truyền thụ và áp dụng vào thực tiễn. Nhờ áp dụng kiến thức đã học được, đàn trâu, bò của gia đình tôi đã béo lên trông thấy, đặc biệt là không mắc dịch bệnh.

Hiệu quả trong công tác dạy nghề tại huyện Nậm Pồ thời gian qua đã được khẳng định rõ, song việc tổ chức giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm liền, Trung tâm không hoàn thành kế hoạch đào tạo UBND huyện giao. Ông Khổng Văn Trọng, cho biết: Sau khi khảo sát có hơn 500 LÐNT tại 11 xã có nhu cầu học nghề, tập trung chủ yếu vào các nghề: trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng và cắt may. Nhưng do Trung tâm không có giáo viên cơ hữu (giáo viên trực tiếp giảng dạy nghề) ở một số nghề bà con đăng ký học nên dù đã vận dụng các văn bản của cấp trên trong việc xây dựng chương trình giảng dạy nhưng khi triển khai thực hiện không được chấp thuận. Ðể giải quyết khó khăn đó, Trung tâm đã ban hành công văn gửi Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên; Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên về việc đề nghị hỗ trợ giáo viên và liên kết đào tạo nghề năm 2018; nhưng đến nay chỉ có Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên phản hồi chấp thuận thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo. Ngay sau đó nhà trường đã hợp đồng liên kết đào tạo trọn gói lớp nghề kỹ thuật xây dựng tại xã Chà Nưa và cử giáo viên giảng dạy 3 lớp kỹ thuật trồng và bảo quản chế biến nấm. Ðến cuối khóa học, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện không chấp thuận cho Trung tâm tiếp tục triển khai 3 lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng và bảo quản, sơ chế biến nấm (vào ngày 23/8/2018) với lý do giáo viên chưa đạt chuẩn. Vì thế đến nay 3 lớp dạy nghề trên (2 lớp mở tại xã Chà Tở và 1 lớp tại xã Chà Cang) vẫn chưa được kiểm tra kết thúc khóa học và làm các thủ tục cấp chứng chỉ.

Trước tình hình đó, Trung tâm đã làm việc với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên cùng tháo gỡ vướng mắc; đồng thời, đề nghị 2 trường là: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên và Cao đẳng Nghề Ðiện Biên tạo điều kiện, phối hợp liên kết trọn gói mở mới các lớp học nghề còn lại vào quý IV/2018. Nhưng các đơn vị trên đều từ chối với lý do không bố trí được giáo viên chuyên môn. Còn về phía Trung tâm, từ ngày thành lập đi vào hoạt động (tháng 4/2015) mặc dù huyện giao 6 biên chế, nhưng đều không có chuyên môn về đào tạo nghề phù hợp. Ðơn vị thiếu giáo viên cơ hữu, nên đến nay rất khó khăn trong việc đăng ký nghề hoạt động và tổ chức các lớp đào tạo nghề theo quy định. Mặt khác, tỉnh lại chỉ nhất trí cho các cơ sở đào tạo nghề khi gặp khó khăn trong đào tạo chỉ được phép liên hệ với 2 trường trên nên công tác dạy nghề gặp không ít khó khăn. Việc hoàn thành được kế hoạch đào tạo nghề UBND huyện giao năm 2018 sẽ có thể không thực hiện được. Bởi đến nay, Trung tâm mới mở được 4/17 lớp với 134/542 lao động học nghề, đạt 24% kế hoạch).

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top