Tạo mối gắn kết giữa chính quyền với người dân

08:54 - Thứ Sáu, 05/10/2018 Lượt xem: 11261 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp; các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân cũng như củng cố mối quan hệ giữa đảng, chính quyền với nhân dân; tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

 

Cán bộ ngành Y tế hướng dẫn người dân xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế đúng quy định.

Dân vận khéo trong xây dựng hệ thống chính trị, Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường công tác dân vận gắn với việc xây dựng và chỉnh đốn Ðảng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, chỉ thị và các chương trình, kế hoạch của tỉnh về phong trào thi đua “dân vận khéo” trong hệ thống chính trị, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể trong sạch vững mạnh. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường bám dân, bám địa bàn, gần dân, trọng dân, lắng nghe và giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tổ chức hội nghị đối thoại, thiết lập hòm thư góp ý, công khai lấy ý kiến của nhân dân đối với những việc liên quan trực tiếp đến nhân dân, kiên trì vận động nhân dân di dời, bàn giao mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án; nhất là các công trình, dự án quan trọng của tỉnh.

Xác định Dự án Bổ sung đoạn tuyến nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu tái định cư (TÐC) phường Noong Bua, TP. Ðiện Biên Phủ (gọi tắt là Dự án Ðường 60m) là dự án trọng điểm của tỉnh; theo kế hoạch phải hoàn thành gần 2 năm về trước. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành, phần lớn là vì nhiều hộ dân không đồng thuận với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, thời gian qua UBND TP. Ðiện Biên Phủ đã phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân; nhất là tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhiều hộ đã hiểu được chế độ, chính sách của Nhà nước nên đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho dự án. Bà Mai Thị Huyền, tổ dân phố 18, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Gia đình tôi có đất thu hồi để thực hiện Dự án Ðường 60m nhưng muốn được bố trí TÐC tại chỗ. Chúng tôi kiên quyết chỉ bàn giao mặt bằng khi đề nghị TÐC tại chỗ được chính quyền địa phương chấp thuận. Tuy nhiên, sau khi được mời đến buổi đối thoại với nhân dân do UBND TP. Ðiện Biên Phủ tổ chức, được cơ quan chức năng giải thích, gia đình tôi đã đồng ý nhận đất TÐC tại Khe Chít (phường Noong Bua).

Bà Huyền chỉ là một trong số nhiều hộ đã “thông” về tư tưởng, chính sách đồng ý bàn giao mặt bằng để Dự án Ðường 60m tiếp tục thi công. Nói về vấn đề này, ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Vấn đề giải phóng mặt bằng luôn là khâu vô cùng khó khăn bởi thường liên quan đến quyền lợi của người dân. Chính vì vậy, cùng với việc cán bộ thực thi nhiệm vụ tận tâm, trách nhiệm thực hiện đúng chế độ chính sách thì trong quá trình làm việc, tiếp xúc với nhân dân cần phải mềm mỏng, kiên trì tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và chấp hành. Có như vậy, những khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ. Với cách làm này, cơ bản đến nay những khó khăn từ phía người dân trong việc bàn giao mặt bằng đã được tháo gỡ. Hơn 81% diện tích cần thu hồi của dự án đã được bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ðến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thuyết phục, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân; các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong tỉnh chú trọng quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức thái độ, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân; xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; tích cực cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng, nhất là những lĩnh vực liên quan đến người dân. Ðến nay, 100% các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế “Một cửa”; chất lượng, nhận thức, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn, cơ bản đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch, công tác.

Thực tế cho thấy, mức độ đồng thuận của nhân dân với chính quyền và với hệ thống chính trị là thước đo hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước. Ðó cũng là mục tiêu, động lực để cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top