Mô hình bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ

Mang tiện ích đến người dân

09:02 - Thứ Sáu, 05/10/2018 Lượt xem: 11066 In bài viết

ĐBP - Từng là địa chỉ quen thuộc với người dân nhưng đã có thời điểm bưu điện văn hóa xã (BÐVHX) trên địa bàn huyện Ðiện Biên phải đóng cửa im lìm vì không có khách đến giao dịch. Song giờ đây, BÐVHX đã có nhiều thay đổi, trở thành nét văn hóa thân thiện ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

 

Nhân viên điểm BÐVHX Pom Lót chi trả lương hưu cho người dân trên địa bàn xã.

Hiện nay, huyện Ðiện Biên có 18 điểm BÐVHX, thực hiện 3 nhóm dịch vụ chính là: Bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, phân phối truyền thông và kinh doanh khác. Ngoài việc duy trì cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, BÐVHX vẫn là nơi tổ chức các hoạt động đọc sách, báo miễn phí phục vụ cộng đồng và truy cập internet. Ngoài ra, BÐVHX còn có các dịch vụ bưu chính chuyển phát gồm bưu phẩm thường, bưu phẩm bảo đảm, bưu kiện trong nước và quốc tế, giới thiệu tư vấn, chuyển phát dịch vụ hành chính công, dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ ngân hàng (tiết kiệm bưu điện, tín dụng); bảo hiểm phi nhân thọ PTI (bảo hiểm ô tô, xe máy). Hiện nay, BÐVHX còn là điểm chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, thu bảo hiểm y tế cho người dân. Ðể đa dạng hóa dịch vụ, các điểm BÐVHX còn phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng như: nước giặt, nước rửa bát, kem đánh răng, dầu ăn... Các sản phẩm, dịch vụ tại điểm BÐVHX cung cấp đều là sản phẩm được phân phối độc quyền, lựa chọn từ các nhà cung cấp có uy tín, giá thành phù hợp với khu vực nông thôn, chất lượng bảo đảm. Ðây được coi là hướng đi linh hoạt, phù hợp để xây dựng mô hình BÐVHX đa dịch vụ.

Việc triển khai các điểm BÐVHX đa dịch vụ đã tạo ra bước đột phá trong đổi mới hoạt động của BÐVHX, làm thay đổi nhận thức về việc cung cấp sản phẩm dịch vụ bưu điện tại cơ sở, đồng thời tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Chị Nguyễn Thị Hiền, nhân viên điểm BÐVHX Noong Luống chia sẻ: Trước đây, điểm BÐVHX chỉ có các dịch vụ đọc sách báo, truy cập internet công cộng; người đến giao dịch, tham gia các loại hình dịch vụ hạn chế. Sau khi triển khai mô hình BÐVHX đa dịch vụ, có thêm nhiều dịch vụ khác ở nhóm bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, phân phối truyền thông thì lượng khách đến giao dịch dần tăng lên. Với nhiều dịch vụ như vậy chúng tôi không còn thụ động ngồi chờ khách hàng đến mà trực tiếp đến tận nhà dân chuyển, phát bưu phẩm hay nhận bưu phẩm, nhận tiền để chuyển đi. Nhờ sự năng động trong hoạt động kinh doanh, lượng khách đến giao dịch ngày càng cao, thu nhập bình quân của nhân viên tại các điểm BÐVHX được nâng lên, trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng. 

Ông Phan Việt Hoàng, Giám đốc Bưu điện huyện Ðiện Biên cho biết: Ưu điểm của BÐVHX là nơi đưa sản phẩm, dịch vụ của bưu điện đến gần với người dân vùng nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; trở thành cầu nối liên kết triển khai chương trình “Người Việt dùng hàng Việt” tới người tiêu dùng nông thôn. Doanh thu 6 tháng đầu năm của các điểm BÐVHX trên địa bàn đạt 3,1 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch giao và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thể hiện rõ hiệu quả của các điểm BÐVHX đa dịch vụ. Với mô hình BÐVHX đa dịch vụ này, người dân có thể thực hiện các giao dịch như tại bưu điện trung tâm. Ví dụ như, người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa như Mường Lói, Phu Luông... trước đây muốn gửi tiền vào ngân hàng cho con em đi học xa thì phải ra trung tâm huyện mới có thể thực hiện các giao dịch nhưng bây giờ người dân chỉ cần đến các điểm BÐVHX cũng có thể thực hiện giao dịch này.

Trong thời gian tới, để điểm BÐVHX đa dịch vụ hoạt động hiệu quả hơn nữa, bên cạnh việc tiếp tục cải tiến, đầu tư cơ sở vật chất, cần tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ như: chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện; dịch vụ hành chính công; tài chính bưu chính, phục vụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Ðồng thời, đào tạo nâng cao năng lực, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ nhân viên đáp ứng nhu cầu khách hàng đến giao dịch.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top