Khó xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

14:51 - Thứ Hai, 12/11/2018 Lượt xem: 12455 In bài viết

ĐBP - Ngày 30/3/2017, UBND TP. Điện Biên Phủ ra Kế hoạch số 298/KH-UBND về việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đô thị trên địa bàn thành phố. Sau một thời gian triển khai rầm rộ, các lực lượng chức năng đã giải quyết, xử lý mạnh tay đối với rất nhiều trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán; các trường hợp đỗ xe không đúng nơi quy định, tháo dỡ những mái tôn cơi nới trên hành lang đường phố… Giai đoạn 1 đã kết thúc, hiện nay, TP. Điện Biên Phủ đang triển khai giai đoạn 2 của Kế hoạch 298 nhưng tình hình có phần diễn biến phức tạp hơn.

 

Chợ tự phát cách UBND phường Thanh Trường khoảng 500m.

Thực tế hầu hết các trục đường chính trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đều bị người dân chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán hàng hóa, tập kết vật liệu xây dựng, đỗ xe... Điển hình như đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua chợ trung tâm I, giờ tan tầm, vỉa hè và một phần lòng đường bị người dân biến thành “chợ cóc” với nhiều mặt hàng từ thịt, cá đến áo quần, hàng gia dụng. Người mua hàng đứng tràn ra lòng đường, ô tô, xe máy đỗ không đúng nơi quy định, gây cản trở người tham gia giao thông. Một số chợ tự phát tại đầu kênh tả (phường Him Lam); đường Sùng Phái Sinh (phường Tân Thanh); Nhà văn hóa thiếu nhi, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (phường Mường Thanh); chợ C4 (phường Nam Thanh)… có tần suất hoạt động thường xuyên, với đông người mua bán, gây mất trật tự giao thông, nhất là giờ tan tầm. Người kinh doanh không chỉ lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường mà ngay cả trước cổng các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước, trường học cũng xuất hiện hàng ăn, quán nước, khiến lối ra vào lúc nào cũng đông người. Một số tuyến đường khác, như: Hoàng Công Chất, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh… cũng xuất hiện dày đặc quán bán đồ ăn, thức uống trên vỉa hè, lề đường.

Sau khi thực hiện giai đoạn 1 của Kế hoạch 298, các cơ quan chức năng đã xử lý các trường hợp vi phạm tại khu vực ngã 3 chợ C13 (phường Thanh Trường) nên tình trạng “thắt nút cổ chai” vào giờ tan tầm ở đây được giải quyết, đường thông, hè thoáng, người tham gia giao thông không còn phải chen lấn nhau như trước. Song chỉ được một thời gian ngắn, cách chợ C13 khoảng 500m dịch về hướng xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), trên vỉa hè quốc lộ 12, người dân lại tổ chức họp, biến vỉa hè quốc lộ thành chợ tự phát, đông đúc hơn trước. Chợ tự phát dài khoảng 200 - 300m trên vỉa hè, sáng sớm hoặc cuối chiều, số lượng người mua bán rất đông, lấn chiếm hành lang giao thông, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tình trạng này đã kéo dài mấy tháng nay nhưng UBND TP. Điện Biên Phủ, phường Thanh Trường chưa thể giải quyết dứt điểm. Chị Lường Thị Mến, một người buôn bán nhỏ xã Thanh Nưa cho biết: Bà con vẫn biết họp chợ trên vỉa hè quốc lộ 12 là không được phép. Tuy nhiên, nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân rất lớn mà chợ C13 thì quá hẹp, không có chỗ ngồi nên bà con mới phải họp chợ tại đây. Mới đầu, một số hộ dân không được bán ở khu vực ngã ba chợ C13 đã dịch lên đây ngồi bán, người này học người kia lâu dần chợ trở nên đông đúc.

Ông Lường Văn Thành, Đội phó Đội Trật tự đô thị (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Hàng ngày, lực lượng liên ngành gồm: Công an giao thông TP. Điện Biên Phủ; UBND các phường, xã; đội trật tự đô thị chia thành 4 tổ công tác tại các điểm phức tạp về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để tuyên truyền, vận động người dân không tổ chức họp chợ, buôn bán trên vỉa hè, khu vực ngã ba, ngã tư và khu vực đông dân cư. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Năm 2018, lực lượng liên ngành của TP. Điện Biên Phủ đã giải tán thành công 1 chợ tự phát ven sông Nậm Rốm; tổ chức cho 689 trường hợp ký cam kết không vi phạm hành lang giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; lập biên bản xử lý vi phạm 73 trường hợp; lập biên bản tạm giữ tang vật 114 trường hợp; tạm giữ 120 biển quảng cáo các loại; tháo dỡ 120 mái tôn cơi nới trên hành lang đường phố. Mặc dù vậy, khi thấy tổ công tác thì người dân thực hiện rất tốt nhưng khi tổ công tác rời đi thì đâu lại vào đấy. Cùng với đó, hình thức xử lý chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở, chưa đủ tính răn đe nên không ít tiểu thương đã “nhờn luật”.

Đối với trường hợp chợ tự phát trên vỉa hè quốc lộ 12, tại phường Thanh Trường, bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch UBND phường cho biết: Phường đã thành lập 1 tổ công tác gồm 7 người do đồng chí phó chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng để phối hợp với Đội Trật tự đô thị thành phố giải quyết điểm chợ tự phát này. Hàng ngày, tổ công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ từ 6 giờ 30 phút sáng đến 10 giờ 30 phút; chiều từ 15 giờ - 17 giờ. Tuy nhiên, khi có mặt tổ công tác thì bà con rất tuân thủ sự nhắc nhở, tuyên truyền và đồng ý không họp chợ tại đây. Nhưng khi hết giờ hành chính, tổ công tác không có mặt thì bà con lại tập trung để buôn bán. Chính vì vậy, phường đang gặp khó khăn để xử lý dứt điểm trường hợp này. Đến nay, ngoài các biện pháp tuyên truyền, UBND phường đã lập biên bản xử lý 14 trường hợp, thu nộp ngân sách gần 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND phường đang xin chủ trương và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng chợ C13 để người dân có chỗ buôn bán. 

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top