Mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng

09:25 - Thứ Tư, 05/12/2018 Lượt xem: 12349 In bài viết
Theo Tổng cục Dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam xuất hiện sau các nước trên thế giới, nhưng tốc độ nhanh và ngày càng lan rộng ở cả thành thị và nông thôn.

 

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc. Ảnh minh họa

Theo quy định, tỷ số giới tính khi sinh cân bằng, tự nhiên là 103-107 bé trai/100 bé gái khi sinh ra sống. Vượt khỏi mức này là mất cân bằng. Năm 2006 tỷ lệ này 109 bé trai/100 bé gái; năm 2013 tăng lên 113,8/100 và đến năm 2016 là 112,8 bé trai/100 bé gái. Số tỉnh, thành có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2009 là 45/63; năm 2015 là 55/63. hiện có ở cả sáu vùng địa lý.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số Nguyễn Doãn Tú cho hay, các quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức đã có, nhưng chưa được thực hiện đầy đủ.

“Hiện nay, tỷ lệ các bà mẹ biết giới tính thai nhi trước khi sinh rất cao, chủ yếu bằng phương pháp siêu âm. Đặc biệt, việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi là nguyên nhân chính của trình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tâm lý ưa thích con trai, định kiến giới và mong muốn có con trai trong gia đình quy mô nhỏ làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”, ông Tú nhấn mạnh thêm “Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, gây nhiều hệ lụy cho sự phát triển bền vững”.

Cũng theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số, chúng ta còn thiếu chủ động trong nghiên cứu, đề ra giải pháp, ban hành cơ chế chính sách để phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, chuẩn bị thích ứng với già hóa dân số. Do đó, cơ cấu dân số vàng của nước ta mới chỉ đạt tiêu chí về số lượng. Chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động của Việt Nam còn rất hạn chế cho nên những dư lợi về cơ cấu dân số vàng chưa thực sự đóng góp có hiệu quả vào sự tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và theo đánh giá của các tổ chức quốc tế là một trong năm nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, các điều kiện kinh tế - xã hội chưa được chuẩn bị tốt để thích ứng kịp với già hóa dân số.

Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân, làm nông nghiệp và có xu hướng “nữ hóa dân số cao tuổi”. Đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa được đáp ứng, còn hạn chế. Tỷ lệ người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế có xu hướng tăng để bảo đảm đời sống hàng ngày.

Tình trạng sức khỏe của người cao tuổi là yếu và rất yếu, mắc cùng một lúc nhiều bệnh, trong đó có các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm... phải điều trị suốt đời. Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa phát triển, số nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về nghiệp vụ, kỹ năng. Do đó, chưa phát huy khả năng, vai trò của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top