Vì môi trường làm việc an toàn

10:07 - Thứ Sáu, 07/12/2018 Lượt xem: 11355 In bài viết

ĐBP - Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; vấn đề kiểm tra, giám sát môi trường làm việc của người lao động tại các doanh nghiệp được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đặc biệt quan tâm. Qua truyền thông, kiểm tra giám sát đã giúp người sử dụng lao động khắc phục được những vi phạm, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố tác hại tại nơi làm việc. Nghị định 39/2016/NÐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động, thì việc kiểm soát này được tiến hành bằng việc thường xuyên theo dõi, giám sát; phân công người hoặc bộ phận chịu trách nhiệm (đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, phải quy định việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đến từng tổ, đội, phân xưởng); lưu hồ sơ kiểm soát; công khai kết quả kiểm soát cho người lao động được biết và có quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc phù hợp. Ðể làm được điều đó, người sử dụng lao động phải lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động tại đơn vị mình. Ðây cũng là cơ sở để xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường lao động, cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát môi trường lao động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong năm 2018 cho thấy, nhiều công ty, doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến công tác vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động tại doanh nghiệp.

Cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã tổ chức điều tra, kiểm tra và giám sát môi trường làm việc tại 62 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Số doanh nghiệp này đang sử dụng 1.750 lao động. Nội dung kiểm tra chủ yếu về việc tổ chức quan trắc môi trường lao động hàng năm; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, sử dụng cán bộ y tế theo dõi sức khỏe cho người lao động; đồng thời tìm hiểu các yếu tố, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp… Qua kiểm tra cho thấy, chỉ có 3/62 doanh nghiệp có cán bộ y tế làm việc; 7/62 doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động (chiếm 11,3%); 19/62 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ và quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động hàng năm (chiếm 30,6%). Từ tỷ lệ kiểm tra thực tế cho thấy, số cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh lao động, môi trường lao động cho người lao động còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do tại một số doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, công nhân chủ yếu làm mùa vụ, không cố định nên khó khăn trong việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên tục thay đổi đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, phá sản, thay đổi địa điểm hoạt động gây khó khăn trong việc triển khai hệ thống quản lý vệ sinh lao động theo các văn bản quy định của Nhà nước. Công tác khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe người lao động và công tác quan trắc môi trường lao động cho người lao động mới chỉ được thực hiện ở một số ít doanh nghiệp Nhà nước còn các doanh nghiệp tư nhân phần lớn không thực hiện. Bên cạnh đó, do việc triển khai các văn bản pháp quy về công tác quản lý sức khỏe người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp chưa kịp thời, vì vậy một số doanh nghiệp chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này, nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân.

Qua công tác kiểm tra, giám sát môi trường làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã đề nghị và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và quản lý sức khỏe người lao động theo Thông tư số 19/TT - BYT của Bộ Y tế, ngày 30/6/2016 hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. Cũng qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã lồng ghép truyền thông cho người sử dụng lao động, người lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp về các yếu tố tác hại nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường có nguy cơ; các biện pháp vệ sinh môi trường lao động, vệ sinh cá nhân làm giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố độc hại; xử lý cấp cứu khi xảy ra sự cố trong lao động… nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top