Hua Nạ trăn trở hướng thoát nghèo

09:22 - Thứ Năm, 13/12/2018 Lượt xem: 13074 In bài viết

ĐBP - Là bản khó khăn bậc nhất nhì của xã Chiềng Ðông (huyện Tuần Giáo), Hua Nạ mang đầy đủ những thiếu thốn của những địa phương vùng cao: Không điện, giao thông đi lại khó khăn, sóng điện thoại không ổn định… Có lẽ vì vậy mà tỷ lệ hộ nghèo ở Hua Nạ chạm tới con số 100% dù cho người dân nơi đây luôn trăn trở để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu…

 

Vợ chồng anh Hờ A Tính bên căn nhà tranh xiêu vẹo.

Sau nhiều ngày chờ đợi, đến đầu tháng 11 chúng tôi vẫn quyết định lên bản Hua Nạ dù nhiều người khuyên can. Quả thực, quãng đường 15km lên trên ấy là thử thách không hề dễ với những người lần đầu cầm lái trên những cung đường khó. Ðón chúng tôi ngay đầu con dốc tức, anh cán bộ y tế thôn, bản Hờ A Tú cung cấp cho chúng tôi những thông tin sơ bộ về nơi đây. Bản Hua Nạ có 49 hộ, 336 khẩu, số hộ tuy ít nhưng lại ở phân tán thành 3 nhóm hộ, cách nhau đến cả cây số; 100% là dân tộc Mông và đáng buồn là tỷ lệ hộ nghèo cũng tương ứng với con số ấy. Chưa kịp hết bất ngờ vì số hộ nghèo nơi đây, chúng tôi càng sững sờ hơn khi thấy đại đa số các ngôi nhà trong bản đều lợp tranh, vách nứa đơn sơ. Theo anh Tú thì những căn nhà tuềnh toàng đó lại là chỗ ở của một gia đình không dưới 4 miệng ăn. Tò mò với chúng tôi quyết định tới nhà một số hộ dân. Ðiểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là gia đình anh Vàng A Súa, một trong số những hộ nghèo nhất bản. Vì vậy mà ngôi nhà của vợ chồng anh và 6 đứa con cũng đơn sơ theo đúng nghĩa đen của nó. Mái nhà lợp tranh; trong nhà được cung cấp ánh sáng tự nhiên qua những khe hở từ vách nứa mỏng manh. Trong nhà cũng không có tài sản gì có giá trị ngoài chiếc xe máy anh mới mua lại gần 4 triệu đồng, mấy chiếc ghế dài, vài bao thóc, mấy thúng ngô mới thu vụ vừa rồi… Trò chuyện với chúng tôi, người đàn ông ngót tứ tuần này không giấu nổi nỗi buồn về những khó khăn đang gặp phải. Gia đình đông miệng ăn, đất sản xuất ít nên dù có cố gắng mấy thì giáp hạt vẫn phải chạy ăn từng bữa. Cái nghèo, cái đói vô tình làm cho những đứa con của anh không mặn mà với việc học. Ðứa con gái lớn của anh đã bỏ học mấy năm nay, con trai thứ cũng không tới trường nữa mà ở nhà trông em cho bố mẹ lên nương. Cái vòng luẩn quẩn đông con - nghèo đói - thất học cứ bám lấy gia đình anh, khiến cuộc sống của 6 miệng ăn càng thêm điêu đứng…

Rời nhà anh Súa, chúng tôi đến gia đình anh Hờ A Tính - chủ nhân của một trong những mái nhà tranh khác của bản Hua Nạ. Nhìn từ ngoài vào, ngôi nhà này còn tuềnh toàng hơn cả nhà anh Súa. Mái tranh nhuốm màu thời gian do đã lâu chưa đảo lại; cột nhà mối xông quá nửa khiến chúng tôi cảm tưởng chúng có thể sập bất cứ lúc nào. Và tất nhiên, tài sản không có gì đáng giá. Có lẽ, thứ đáng giá nhất với anh Tính là 2 đứa con lớn tha thẩn chơi ở đầu nhà và 2 đứa con nhỏ vợ anh đang ẵm trên tay. Hoàn cảnh của anh Tính thì cả bản ai cũng biết. Nương ít, mỗi vụ thu chẳng được là bao nên nhà anh thiếu đói quanh năm. Hết gạo, anh mang ngô đi nghiền về nấu ăn cho qua bữa. Hết ngô, anh lên rừng kiếm được cái gì ăn cái đó hoặc may mắn thì đổi được chút gạo về cho vợ con…

Tạm gác câu chuyện dưới những mái nhà tranh, chúng tôi tìm đến nhà Trưởng bản Hua Nạ Hờ Giống Khá. Nghe chúng tôi thuật lại những gì “mục sở thị” từ sáng đến giờ, ông Khá trầm tư: Ðó là các hộ khó khăn nhất nhì bản rồi. Những hộ khác không đến mức như vậy nhưng cũng chẳng khá gì hơn. Cũng tại địa hình đồi núi, đất dốc nhiều, đất sản xuất khiêm tốn, cả bản chỉ có hơn 20ha lúa nương, năng suất lại không ổn định nên người dân lam lũ mấy cũng chẳng đủ ăn. Ðó là chưa kể làm ra củ sắn, bắp ngô hay những nông sản khác thì đường sá đi lại khó khăn, mang được về trung tâm xã bán cũng không đủ tiền xăng đi lại. Một số hộ trong bản cũng học cách chăn nuôi bò, dê nhưng lại thiếu bãi chăn thả nên chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít, lại thường xuyên bị thương lái ép giá nên thu nhập chẳng là bao… Kinh tế khó khăn, cùng với sinh nhiều con khiến cho một số hộ gia đình không mấy mặn mà với việc cho lũ trẻ đi học. Cùng lắm là học xong lớp 1, 2 tại điểm bản là ở nhà phụ bố mẹ việc nhà. Thế nên cả bản đến thời điểm này mới chỉ có 5, 6 người theo học các lớp trung cấp, cao đẳng ở trong và ngoài tỉnh. Nhưng đi học về các cháu cũng chưa xin được việc làm, đứa thì ở nhà, đứa thì theo các bạn đi làm thuê tỉnh khác… Tiếp lời ông Khá, anh Hờ A Tú, chia sẻ: Nhận thấy khó khăn của địa phương, nhiều thanh niên trong bản đi làm thuê tại các tỉnh miền xuôi, như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… Có người đi làm thì mang được tiền về, nhưng cũng có người trở về tay trắng. Do bỏ học sớm, tiếng phổ thông có người còn chưa thạo nên đi làm thuê ở các địa phương khác dễ bị các đối tượng xấu lừa gạt. Ở bản, có trường hợp đi làm thuê dưới Hà Nội chỉ được chủ trả cho 3 triệu đồng cầm về sau gần 1 năm lao động vất vả… 

Khi được hỏi về hướng đi để thoát nghèo cho Hua Nạ, Trưởng bản Hờ Giống Khá, cán bộ y tế thôn bản Hờ A Tú trầm ngâm một lúc rồi cùng thống nhất quan điểm: Người dân Hua Nạ chăm chỉ, cần cù lao động, không có ai sa vào tệ nạn xã hội. Vấn đề chính là thiếu đất sản xuất, đường sá khó khăn nên giao thương kém phát triển. Bây giờ chỉ mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư hệ thống điện, đường để người dân có thể từng bước bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, tiếp xúc với những tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top