Khan hiếm nước sạch ở các trường vùng cao

09:54 - Thứ Năm, 13/12/2018 Lượt xem: 13590 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao, những năm qua nước sạch luôn là vấn đề bức thiết đối với người dân Mường Nhé… Ðặc biệt, tại nhiều trường học, thầy cô giáo và học sinh vẫn đang hàng ngày đối diện với việc khan hiếm nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, nhất là hệ thống trường bán trú ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Trung tuần tháng 12, chúng tôi có dịp trở lại với thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Sen Thượng (xã Sen Thượng)… Vào những tháng mùa khô, Trường đang thiếu nước sạch, phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú. Thầy Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trước đây, để có nước sạch, Trường sử dụng chung nguồn nước của xã, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây do đường ống bị hỏng nên Trường đã khoan 2 giếng, nhưng vào mua khô lượng nước không đủ để thầy cô và học sinh sử dụng. Ðặc biệt, với 3 điểm trường (Pa Ma, Tả Ló San, Chiếu Sừng) để có nước sử dụng, các điểm trường phải tự đặt ống dẫn nước từ các khe suối tự nhiên về nên khi thời tiết nắng, nóng kéo dài các con suối cạn dần và nước sinh hoạt cho học sinh cũng thiếu hụt theo. Vào mùa khô nước cạn, thầy cô phải cuốc bộ mấy cây số để lấy nước. Riêng đối với Ðiểm trường Pa Ma, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ tháng 6 vừa qua đã làm cuốn trôi toàn bộ lớp học, hệ thống đường nước… nên điểm trường gặp rất nhiều khó khăn, học sinh không có nước để sinh hoạt, phải nhờ điểm trường mầm non.

 

Học sinh Trường PTDTBT THCS Nậm Vì sử dụng nguồn nước tiết kiệm dẫn từ khe của bản để giặt rũ quần áo. 

Trường PTDTBT THCS Nậm Vì, nằm nép mình phía dưới chân núi, Trường hiện có 283 học sinh bán trú ăn ở, sinh hoạt nội trú nên khối lượng nước sạch để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các em là rất lớn. Ðặc biệt, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, được xem là “mùa khát” không chỉ riêng của thầy cô, học sinh mà cả của bà con trong xã. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Lê Bảo Khương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Mặc dù hệ thống đường nước đã được đầu tư (bể chứa, téc nước 2.000l, hệ thống đường ống) song do nguồn nước được lấy từ khe suối quá xa, nước ở đầu nguồn cạn kiệt nên tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên, liên tục. Trước thực trạng đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã tự đào giếng, tuy nhiên nước từ giếng khoan bơm lên thường có màu vàng đục, nhất là những hôm mưa to nên chỉ sử dụng để tắm, giặt, vệ sinh. Nguồn nước để phục vụ nấu ăn, uống nhà trường phải chỉ đạo học sinh dùng tiết kiệm từ nguồn nước của bản. Ðặc biệt, nỗi lo lớn nhất với thầy cô giáo là sức khỏe của học sinh, bởi khi các em sử dụng nước bẩn có thể mắc các bệnh về da và lây lan rất nhanh.

Em Vừ Thị Chanh, học sinh lớp 8, chia sẻ: Là học sinh bán trú, em đã khá quen với việc phải dùng nước tiết kiệm, đặc biệt vào những tháng mùa khô; chúng em thường phải xuống nhà dân để tắm rửa, giặt rũ nhờ nên rất bất tiện, đôi khi  nhà dân cũng hết nước chúng em chẳng biết làm sao...

Không riêng gì Trường PTDTBT Tiểu học Sen Thượng và Trường PTDTBT THCS Nậm Vì mà theo thống kê, hiện nay toàn ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé có 38 trường có nước hợp vệ sinh (nước khe tự chảy hoặc giếng khoan); 14 trường có nước sạch nhưng thiếu thốn, khan hiếm về mùa khô. Thầy Phan Văn Uyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé, cho biết: Những năm gần đây, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện nói chung, các trường học trên địa bàn nói riêng đã nhận được sự quan tâm, đặc biệt của đảng bộ, chính quyền các cấp, trong đó phải kể đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không ngừng được đầu tư, mở rộng, đáp ứng yêu cầu học tập của con em các dân tộc. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở một số đơn vị trường học, đặc biệt là trường PTDTBT trên địa bàn huyện là rất cấp thiết hiện nay. Ðây cũng là trăn trở của các cấp, các ngành từ huyện đến xã, đặc biệt là các trường học đang tìm giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước trong những tháng mùa khô. Ðể giải “bài toán” nước sạch cho trường học, trước mắt ngành Giáo dục và Ðào tạo Mường Nhé sẽ phối hợp với ngành liên quan tiến hành khảo sát, duy tu, bảo dưỡng hệ thống nước sạch cho các trường. Ðồng thời, tham mưu UBND huyện hỗ trợ một số đường ống để khắc phục trước một số khó khăn; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ các công trình nước sạch trường học.

Có thể nói, tình trạng thiếu nước sạch đã trở thành một thách thức với sự nghiệp trồng người nơi địa đầu Tổ quốc. Dẫu biết rằng, đây là việc làm không dễ dàng nhưng để các thầy cô giáo, học sinh yên tâm bám trường, bám lớp rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, nhà hảo tâm trong việc xây dựng thêm những công trình nước sạch, đáp ứng sự mong mỏi của thầy cô và học sinh.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top