Ði làm việc ngoại tỉnh

Sự lựa chọn của nhiều lao động

09:22 - Thứ Năm, 14/03/2019 Lượt xem: 10337 In bài viết

ĐBP - Mỗi độ tháng ba ngày tám như dịp này của vài năm trước là gia đình anh Mùa A Vàng (SN 1995) nơi cao nguyên đá Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) lại phải đôn đáo chạy vạy lo từng bữa ăn cho 7 người. Dù cố gắng co kéo nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, bát cơm tới bảy tám phần ngô. Cảnh này không lạ với nơi mở mắt ra bốn bề đều là núi đá, đất sản xuất cực hiếm như Tủa Thàng. Tiếp nhận thông tin về một số doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động qua “kênh” từ chính quyền địa phương, anh Mùa A Vàng quyết tâm rời non tìm việc. Thấm thoắt đã hơn 2 năm, anh Vàng trở thành công nhân của Công ty Cổ phần Than Núi Béo (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam), làm việc trực tiếp tại hầm mỏ ở TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định đã giúp gia đình anh Vàng không chỉ thoát những bữa ăn ngô nhiều hơn cơm mà còn có lưng vốn để đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế.

 

Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng, việc làm tại Hội chợ việc làm huyện Ðiện Biên năm 2018.

Chia sẻ với chúng tôi những dự định của riêng mình, anh Mùa A Vàng không giấu được niềm vui đó là ngôi nhà mơ ước chuẩn bị được dựng xây sau hơn 2 năm chăm chỉ làm việc, tăng ca làm thêm tại Công ty Cổ phần Than Núi Béo. Với mức lương trung bình từ 17 - 22 triệu đồng/tháng đã giúp anh Vàng hằng tháng gửi tiền đều đặn về cho gia đình vừa để trang trải cuộc sống vừa tiết kiệm dựng nhà. Niềm vui nhân lên khi bé con đầu lòng của vợ chồng anh đã được hơn 6 tháng khỏe mạnh. Với anh Vàng, chẳng mơ ước gì hơn khi có được một công việc ổn định, được công ty đóng bảo hiểm xã hội. Một cuộc sống đầy đủ hơn, tương lai con cái khi lớn khôn chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn, không phải chịu cảnh đói no thất thường như anh và không ít người dân trong bản Tủa Thàng đã và đang phải trải qua sẽ không chỉ còn là ước mơ - Anh Mùa A Vàng tâm sự. Công việc khai thác mỏ hầm lò tuy nặng nhọc, vất vả nhưng bù lại được làm việc theo ca, chế độ nghỉ ngơi, đãi ngộ của doanh nghiệp rất đầy đủ, kịp thời; vì vậy mà anh rất yên tâm. Không chỉ với anh Vàng mà rất nhiều lao động tại các thôn bản trên địa bàn tỉnh đã quyết tâm rời non tìm việc và bước đầu tạo dựng được cuộc sống đầy đủ hơn, khấm khá hơn.

Ở bản Co Vay, xã Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông, Vừ Bả Của (SN 1993) cũng giống như nhiều thanh niên trai tráng trong bản chẳng mấy khi vượt cung đường mòn và những khúc cua tay áo để ra đến chợ trung tâm huyện nếu không có việc, chứ đâu dám nghĩ tới một ngày bỏ nghề nông trở thành công nhân làm việc cách xa quê nhà đến hơn bảy trăm cây số. Rồi ước mơ về cuộc sống đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn ngày càng lớn hơn và động lực ấy đã giúp Của quyết tâm nộp đơn xin việc làm ở Công ty Cổ phần Than Núi Béo. Từ lao động chưa qua đào tạo, Của được học nghề mỏ hầm lò, sau khi học nghề được làm việc với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng - con số trong mơ cũng chưa từng nghĩ tới. Những nỗ lực làm việc chăm chỉ của Của đã giúp gia đình gần chục miệng ăn không còn nỗi lo mỗi khi mùa màng thất bát, dịp giáp hạt như trước. Ðều đặn mỗi tháng Của tiết kiệm hơn chục triệu đồng gửi về cho gia đình sắm sửa vật dụng sinh hoạt, đầu tư mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập. Của bảo: Mừng lắm! Mình cùng 5 bạn khác trong xã đi làm cho các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh được tỉnh Ðiện Biên hỗ trợ tiền vé xe, vừa cảm thấy được động viên vừa có thêm chút lộ phí trang trải đi làm việc xa nhà. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, về nghỉ được lĩnh đủ lương, thưởng lại được hỗ trợ tiền vé xe, niềm vui càng được nhân lên.

Là địa phương có nguồn lao động dồi dào vừa là tiềm năng nhưng lại tạo áp lực cho chính quyền trong vấn đề giải quyết việc làm, nhất là khi Ðiện Biên không có nhiều nhà máy, các khu công nghiệp. Song nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nên vài năm trở lại đây số doanh nghiệp ngoài tỉnh tới Ðiện Biên tìm kiếm nguồn lao động khá nhiều và ngày càng tăng cao. Không chỉ đưa ra nhiều cơ hội việc làm, chế độ đãi ngộ tại nơi làm việc; một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông rồi dạy nghề và cam kết việc làm sau đào tạo. Ðiển hình, như Trường Cao đẳng Nghề Than - Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam) trong năm 2018 đã ký kết hợp đồng đào tạo, giải quyết việc làm giai đoạn 2018 - 2020 cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Nậm Pồ; mở lớp đào tạo nghề kỹ thuật khai thác mỏ và xây dựng mỏ (phần học lý thuyết) ngay tại huyện Mường Nhé… thu hút khá nhiều lao động tại địa phương tham gia học nghề. Ðây được xem là hướng mở trong vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở tỉnh ta, nhất là với lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn khi mà nhu cầu tìm việc làm trở thành thiết yếu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Nhờ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích khi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp; Quyết định số 15/2017/QÐ - UBND của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ tiền vé xe cho người lao động đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh tới các thôn, bản tại các địa phương, tuyên truyền trực tiếp tới người trong độ tuổi lao động. Từ đó đã từng bước thay đổi tư duy nếp nghĩ bấy lâu của người dân vốn quen nghề nông, ngại thay đổi công việc; nhất là tâm lý của bộ phận người dân tộc thiểu số ngại đi làm việc xa nhà. Việc tạo điều kiện thuận lợi, chấp thuận cho nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận, lựa chọn các ngành nghề phù hợp, như: khai thác khoáng sản, lắp ráp điện tử, sản xuất hàng dệt may, dịch vụ bảo vệ… tại các doanh nghiệp ngoại tỉnh. Thu nhập cao nhất của người lao động tỉnh ta hiện đang làm việc cho các doanh nghiệp khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với mức trung bình 10 - 15 triệu đồng/người/tháng (chưa kể tăng ca, làm thêm). Các doanh nghiệp còn lại, mức thu nhập của người lao động dao động 6 - 8 triệu đồng/người/tháng; cao nhất khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ có thu nhập ổn định, việc làm thường xuyên, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh được hưởng đầy đủ chính sách việc làm, tiền lương, tiền công, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động… Chính vì vậy, số lao động làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh ngày càng tăng cao. Riêng trong năm 2018, đã có hơn 1.100 lao động tại các địa phương trong toàn tỉnh đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ở các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên…

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top