Gỡ khó trong xuất khẩu lao động

09:30 - Thứ Năm, 28/03/2019 Lượt xem: 11887 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ người lao động tham gia xuất khẩu lao động (XKLÐ). Tuy nhiên, số người XKLÐ của tỉnh vẫn còn “khiêm tốn”; phản ánh nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ.

 

Cán bộ, đoàn thể xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xuất khẩu lao động tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Năm 2018, toàn tỉnh có 46 lao động đi XKLÐ, chủ yếu là ở thị trường các nước: Hàn Quốc (19 lao động), Ả rập xê út (13 lao động), Lào (7 lao động), còn lại là các nước: Nhật Bản, Ðài Loan, Malaysia... Nguồn lao động khá dồi dào với lực lượng trong độ tuổi tham gia XKLÐ cao (chiếm trên 60% tổng số lao động trong độ tuổi), nhưng với tỉnh miền núi như Ðiện Biên thì “rào cản” lớn nhất trong XKLÐ chính là nhận thức của người dân còn hạn chế, e dè; vẫn mang nặng tư tưởng “đủ ăn, đủ sống” dẫn tới việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, một bộ phận người lao động tuy có sức khỏe, trình độ nhưng tâm lý ngại đi xa, ngại học tập, nhất là học ngoại ngữ nên dù được tạo điều kiện thuận lợi để đi XKLÐ nhưng không mặn mà. Một nguyên nhân nữa là đa phần con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện nghèo mới tốt nghiệp THCS, chưa được đào tạo nghề, không quen với môi trường làm việc công nghiệp, hiện đại nên chưa thể đáp ứng yêu cầu phía sử dụng lao động ở nước ngoài, nhất là các thị trường yêu cầu cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khi đó, nhiều thị trường điều kiện yêu cầu dễ dàng hơn nhưng thu nhập thấp so với các nước khác khiến người lao động không mấy “mặn mà”, thậm chí có trường hợp người lao động đi XKLÐ về còn nghèo hơn vì về trước hạn, nhất là phải gánh thêm khoản nợ ngân hàng.

Thêm một “nghịch lý” trong khi số người đi XKLÐ thấp nhưng một bộ phận lao động tại một số huyện vùng cao (Nậm Pồ, Mường Nhé...) có xu hướng tìm cách xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và Lào để lao động “chui” ngày càng gia tăng. Theo anh Giàng A Chính, nhóm I, bản Tàng Do, xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) đã từng đi lao động chui ở Trung Quốc: cho biết: “Công việc chủ yếu là lao động chân tay trong các trang trại với đồng lương ít ỏi. Nhưng do nhận thức hạn chế, thay vì chọn hình thức XKLÐ theo con đường chính ngạch thì người dân lại lựa chọn hình thức XKLÐ “chui” theo đường “tiểu ngạch”, khiến nhiều trường hợp lao đao, thậm chí có trường hợp còn bị ông chủ quỵt tiền, sống chui lủi trong rừng”.

Năm 2018, tỉnh ta được phân bổ gần 3,3 tỷ đồng thực hiện Dự án Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020). Triển khai dự án, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức các cuộc hội thảo, tuyên truyền đưa chính sách đến gần hơn với nhân dân, đặc biệt là thanh niên trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, trong năm không có lao động nào tham gia XKLÐ theo dự án. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động đi XKLÐ, nhưng đa phần là doanh nghiệp ngoại tỉnh. Do vậy thiếu đầu mối để triển khai, tuyên truyền nắm bắt thị trường XKLÐ dẫn tới việc chỉ đạo, điều hành gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cùng với đó, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường XKLÐ chưa được triển khai một cách đồng bộ, hệ thống, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương nên thị trường XKLÐ ở tỉnh mới chỉ dừng lại ở những thị trường truyền thống khiến người lao động không mặn mà.

Mường Nhé là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, xác định XKLÐ là một trong những “chìa khóa” xóa đói giảm nghèo, huyện đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm (toàn bộ học phí, tài liệu học tập nâng cao trình độ văn hóa) khuyến khích người dân tham gia XKLÐ. Tuy nhiên, đến nay số người đi XKLÐ trên địa bàn vẫn còn ít. Lý giải điều này, ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé chia sẻ: Khó khăn lớn nhất hiện nay trong XKLÐ chính là trình độ, nhận thức của người lao động trên địa bàn còn thấp; ngay cả những người lao động khi đã học xong nghề, ngoại ngữ cũng “bỏ” dở vì tâm lý không muốn xa gia đình. Theo thống kê, năm 2018 toàn huyện chỉ đưa được 16 lao động đi XKLÐ tại Hàn Quốc và Ả rập xê út. Hiện đang hoàn tất thủ tục hồ sơ cho 4 lao động đi XKLД.

Ðể giải “bài toán” XKLÐ, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội): Trước hết tỉnh ta cần tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp XKLÐ đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, tư vấn về việc làm, XKLÐ. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài ở cấp huyện; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm, tiêu cực (nếu xảy ra) nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Ðặc biệt, cần rà soát lại chính sách để tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động tại các huyện nghèo có thể tiếp cận được những thị trường có thu nhập cao.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top