Góc nhìn nhà báo

Trục lợi chính sách

09:44 - Thứ Năm, 28/03/2019 Lượt xem: 10545 In bài viết

ĐBP - Chỉ trong thời gian chưa đầy 2 tuần, báo chí thông tin liên tiếp về 2 vụ tiêu cực của cán bộ xã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chi sai mục đích, tham ô. Hai vụ việc xảy ra ở thời điểm khác nhau, tại địa bàn khác nhau nhưng có điểm chung: Ðều là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện 30a; sai phạm là việc quản lý, chi sai mục đích, tham ô tiền chính sách hỗ trợ người nghèo. Cụ thể là tham ô chiếm đoạt kinh phí hỗ trợ tiền điện (đèn dầu) cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội ở xã Mường Ðun, huyện Tủa Chùa. Ở xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ là việc dùng tiền hỗ trợ chi sai mục đích, giả mạo chữ ký của người dân để “hợp thức hóa” mà theo lời giải thích của ông chủ tịch UBND xã là “nhằm phục vụ công tác thanh tra chứ không tư lợi cá nhân”!.

Tính chất vụ việc ở hai địa bàn tuy không hoàn toàn giống nhau nhưng đều vi phạm những quy định của pháp luật về thu chi tài chính. Ðối tượng phạm tội đều là cán bộ xã.

Bác Hồ đã dạy: “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Và trong số các tiêu chuẩn đạo đức của người cán bộ cách mạng, có chữ “Liêm”. Liêm tức là “luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”; “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”. Phải “trong sạch, không tham lam”…

Tham nhũng, tham ô, lãng phí đáng bị kịch liệt lên án và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nhưng trục lợi, ăn chặn tiền của người nghèo, hộ chính sách - những đối tượng yếu thế cần hỗ trợ, thì quá nhẫn tâm!

Hiện nay, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đa dạng từ hỗ trợ phương tiện sản xuất tới tiền bạc… Song một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện đã dẫn tới việc một bộ phận cán bộ, người thực thi tận dụng để trục lợi.

Vụ việc ở Nậm Nhừ, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ các sai phạm; vụ việc ở Mường Ðun thì cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng. Sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm, đó là hậu quả cá nhân người vi phạm phải nhận. Nhưng như thế chưa hết, bởi còn những trách nhiệm liên đới. Ðã có quy định, nguyên tắc thu chi tài chính. Chúng ta cũng có công cụ phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm là công tác thanh tra, kiểm tra và cơ chế giám sát. Nhưng đã thực hiện hiệu quả chưa? Chưa sâu sát, thiếu trách nhiệm, chưa hiệu quả? Hay chỉ là hình thức, “có cũng như không?” Chúng ta đã làm tốt việc nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, biên giới? Quy chế dân chủ ở cơ sở đã thực hiện tốt chưa?

Sự được - mất về tiền bạc có thể đo đếm được, để quy trách nhiệm và xử lý. Nhưng không ai đo đếm được niềm tin! Niềm tin của nhân dân bị tổn thương, bị mất thì chẳng gì bù đắp được!

Duy Bình
Bình luận
Back To Top