Quyết liệt giảm nợ bảo hiểm xã hội

15:23 - Thứ Ba, 02/04/2019 Lượt xem: 11708 In bài viết

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến hết tháng 2, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trong toàn quốc còn khoảng 6.654 tỷ đồng. Mặc dù số thu trong quý I-2019 đạt kết quả tốt, nhưng với số nợ BHXH còn rất cao, tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH vẫn diễn ra tại các địa phương, đòi hỏi ngành BHXH phải quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm nợ.

 

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất Nhà máy đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng). Ảnh: Nguyễn Ðăng

Giao chỉ tiêu giảm nợ tới từng cán bộ chuyên quản

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 3, toàn ngành thu được 77.100 tỷ đồng, đạt 21,4% so với kế hoạch được Chính phủ giao. Nhưng tổng số nợ phải tính lãi trong toàn quốc đến hết tháng 2 vẫn còn tới 6.654 tỷ đồng. Việc nợ đọng BHXH diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Mai Ðức Thắng cho biết, nguyên nhân dẫn đến nợ đọng BHXH chủ yếu là do tình hình sản xuất của nhiều đơn vị sử dụng lao động đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số đơn vị cố tình chây ỳ, chưa có ý thức chấp hành quy định về đóng BHXH, BHYT; số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất tích và có chủ bỏ trốn còn cao. Ðáng chú ý, một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động để sử dụng vào mục đích khác.

Bên cạnh nguyên nhân ý thức chấp hành quy định của nhiều doanh nghiệp chưa tốt, Phó Trưởng ban Mai Ðức Thắng cho biết thêm: "Nhiều doanh nghiệp vẫn trả lương, thưởng cho người lao động. Nhưng việc thanh toán số nợ BHXH thì không thực hiện. Vai trò cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi BHXH (bảo hiểm y tế) BHYT cho người lao động còn yếu. Các văn bản pháp luật về quản lý và xử lý nợ đọng còn thiếu và chưa đồng bộ, rõ ràng.

Hiện nay, để giảm thiểu số nợ và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phải xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp. Ðồng thời, yêu cầu cán bộ chuyên quản bám sát đơn vị để đôn đốc thu; thực hiện thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ ba tháng trở lên (thông qua cảnh báo tự động của phần mềm thu).

Ðồng thời, giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ BHXH, BHYT đến từng cá nhân cán bộ chuyên quản; hằng tháng, hằng quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ để làm căn cứ bình xét hiệu quả công việc; hằng quý sơ kết đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm nợ tại BHXH các tỉnh, thành phố.

BHXH các địa phương cũng công khai danh sách các doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng. BHXH Việt Nam cũng vừa công bố 20 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nợ BHXH, trong đó có những doanh nghiệp có số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả thanh tra chuyên ngành

Ðể nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1458 về việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019. Theo đó, năm 2019, BHXH Việt Nam sẽ chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra chuyên ngành, liên ngành tại 23 tỉnh, thành phố; giao cho BHXH tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 5.581 đơn vị; kiểm tra tại 6.815 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 4.197 đơn vị.

Theo kế hoạch trong quý I tại các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 817 đơn vị, trong đó thanh tra chuyên ngành đóng tại 371 đơn vị, ngay từ đầu năm BHXH Việt Nam đã tổ chức thanh tra sáu đơn vị tại tỉnh Cao Bằng.

Ðánh giá về công tác thanh tra chuyên ngành, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh cho biết: Trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ này và thu được nhiều kết quả tích cực với hơn 8.000 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành được tổ chức; số tiền thu được sau các cuộc thanh tra, kiểm tra đạt gần 50%; tỷ lệ nợ đọng BHXH giảm mạnh. BHXH Việt Nam cũng chuyển gần 40 hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan chức năng để xử lý. Ngay sau đó, khoảng một phần ba doanh nghiệp trong đó đã chủ động trả nợ BHXH, một số doanh nghiệp cũng bị xử lý ở những nội dung khác.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các bộ, ngành mở rộng công tác thanh tra hưởng chế độ BHXH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tự động, đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của đơn vị, doanh nghiệp thông qua phần mềm cảnh báo. Sau các đợt thanh tra, phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng như: Công an, tòa án, viện kiểm sát, Lao động - Thương binh và Xã hội, liên đoàn lao động các cấp để làm căn cứ xử lý hình sự sau này. Bên cạnh đó, đối với những đơn vị cố tình trốn đóng, kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự; hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm của chủ sử dụng lao động để cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quý I-2019, cơ quan BHXH tại 23 tỉnh, thành phố đã chuyển hồ sơ của 162 doanh nghiệp nợ BHXH lớn, kéo dài sang cơ quan công an để xử lý theo quy định của Luật Hình sự. Tuy nhiên tới nay, việc khởi tố chưa thực hiện được ở doanh nghiệp nào. Một trong những nguyên nhân là do vướng mắc trong quy trình triển khai. Ðể giải quyết vấn đề này, hiện nay, BHXH Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và một số cơ quan chức năng đang phối hợp xây dựng quy trình chuyển hồ sơ, thành phần hồ sơ và xử lý cụ thể trong thời gian tới.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top