Nhiều hộ dân chưa được cấp sổ đỏ

“Chủ trên danh nghĩa” chưa phải “chủ hợp pháp”

09:30 - Thứ Năm, 18/04/2019 Lượt xem: 12017 In bài viết

ĐBP - Tình trạng nhiều hộ dân sinh sống, canh tác trên diện tích đất của gia đình hàng chục năm nay nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) diễn ra khá phổ biến ở các địa phương trong tỉnh. Có nhiều xã gần như 100% hộ dân không có sổ đỏ. Trên danh nghĩa thì họ là “chủ” của những diện tích đất ở, đất sản xuất đó, nhưng khi chưa được cấp sổ đỏ, chưa đứng tên trên chính mảnh đất của mình thì họ vẫn chưa thực sự là chủ hợp pháp. Vì thế, việc người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thế chấp ngân hàng để vay vốn sản xuất gặp không ít khó khăn.

 

Cán bộ địa chính xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) đo đạc đất thổ cư cho 2 hộ tranh chấp đất đai ở bản Cò Chạy, vì chưa có “sổ đỏ”.

Xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) có 16 bản, với hơn 1.000 hộ dân, nhưng đến nay cả xã chỉ có khoảng 70 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) đã được cấp. Năm 2002, gia đình ông Lò Văn Chơi từ xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) về tái định cư tại bản Tân Hưng. Về đây, gia đình ông được cấp gần 200m2 đất ở và 5.000m2 ruộng, nương, nhưng hơn 16 năm qua gia đình ông vẫn chưa có GCNQSDÐ cả nông nghiệp và thổ cư. Vẫn biết đó là tài sản của gia đình, nhưng ông không có giấy tờ có tính chất pháp lý để xác nhận hay chứng minh cho tài sản của mình. Ông Chơi chia sẻ: “Việc không có sổ đỏ khiến cho nhiều gia đình muốn mua bán hay chuyển nhượng đất gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân có điều kiện muốn xây bờ rào cũng phải thỏa thuận với hộ lân cận, nếu không sẽ xảy ra tranh chấp, gây mất đoàn kết trong bản. Hay việc vay vốn ngân hàng mà không có giấy tờ gì chứng minh tài sản để thế chấp, thì cũng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi hoặc phát triển kinh tế gia đình”.

Chia sẻ câu chuyện của ông Chơi với chính quyền xã Si Pa Phìn, chúng tôi được anh Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn cho biết: Ðến nay, hầu như gần 100% hộ dân trên địa bàn xã chưa được cấp GCNQSDÐ cả đất ở, đất ruộng, nương. Ðây cũng là tình trạng chung của các xã trong huyện Nậm Pồ. Năm 2011, cơ quan chức năng cũng triển khai một đợt làm sổ đỏ cho nhân dân. Tuy nhiên, vì chi phí nộp tiền sử dụng đất để làm sổ đỏ tốn kém nên người dân trong xã không ai chịu kê khai làm sổ; chỉ một số gia đình ven quốc lộ 4H làm kinh doanh để thuận lợi trong việc vay vốn ngân hàng và tránh tình trạng tranh chấp đất đai thì họ mới làm.

Thực tế cho thấy, việc người dân không có GCNQSDÐ đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là tranh chấp đất đai. Dù chưa xảy ra tranh chấp đất ở nhưng về đất sản xuất hàng năm trên địa bàn xã Si Pa Phìn thường xảy ra 4 - 5 vụ, nhất là tranh chấp đất sản xuất giữa người dân sở tại và dân tái định cư. Ðể tránh xảy ra tranh chấp đất đai trên địa bàn, UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đo đạc, rà soát diện tích đất cho nhân dân, đặc biệt là ở các bản tái định cư để xác định rõ ranh giới, cho vào sơ đồ cấp sổ đỏ. Ðến nay, cơ quan chuyên môn huyện đã đo đạc cho hơn 200 hộ dân tái định cư và đang chờ để được cấp GCNQSDÐ.

Tương tự như xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ), hiện nay xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) có gần 1.200 hộ dân, song cũng chỉ có hơn 100 hộ có GCNQSDÐ. “Ðất đai là tài sản cố định của người dân, nếu không có giấy tờ pháp lý hợp pháp thì bà con sẽ thiệt thòi, không chỉ khó khăn trong việc thế chấp ngân hàng vay vốn mà còn mất đi quyền lợi làm chủ hợp pháp của bản thân. Nói gì thì nói, lỗi một phần là cũng bởi người dân chưa quan tâm đến việc làm sổ đỏ theo quy định; phần khác do chi phí đo đạc, nộp tiền sử dụng đất trước cấp sổ đỏ còn tốn kém nên bà con lại càng thờ ơ. 2 năm gần đây, vì cần vốn để phát triển sản xuất, nhiều gia đình mới làm sổ đỏ để thế chấp ngân hàng. Về phía chính quyền xã thì mong rằng UBND tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, chi phí khi cấp sổ đỏ và tạo điều kiện cấp sổ đồng loạt cho người dân trong xã như một số địa phương thuộc huyện 30a trong tỉnh” - anh Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng bày tỏ.

Ðúng như những gì Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng chia sẻ, hiện nay các huyện 30a (Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Ảng) đã được tiến hành đo đạc địa chính chính quy và hầu hết các hộ dân trên địa bàn đã được cấp GCNQSDÐ. Nhiều hộ dân xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng) đã được tạo điều kiện cấp sổ đỏ đồng loạt từ năm 2014. Theo thống kê của UBND xã Mường Ðăng, hiện trên địa bàn xã đã cấp hơn 80% GCNQSDÐ thổ cư; trên 60% GCNQSDÐ nông nghiệp; còn một số hộ chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên khi nào chuyển đổi xong mới cấp sổ đỏ. Anh Quàng Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Mường Ðăng cho biết: Chủ trương cấp sổ đỏ đồng loạt cho người dân thuộc huyện 30a của Nhà nước là rất toàn diện; đã hỗ trợ nhân dân về chi phí, thủ tục làm sổ đỏ, giúp người dân làm chủ một cách hợp pháp trên mảnh đất của mình. Nếu như trước đây, bà con gặp khó khăn khi vay vốn, chuyển nhượng đất đai thì nay được cấp sổ đỏ, người dân được hưởng nhiều ưu đãi và còn được Nhà nước bảo đảm về quyền lợi trên mảnh đất sử dụng khi có tranh chấp xảy ra.

Tìm hiểu cụ thể vấn đề này, chúng tôi đến Sở Tài nguyên và Môi trường và được đại diện Chi cục Quản lý đất đai cho biết: Việc người dân không có GCNQSDÐ là chưa đúng theo chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Ðối với Ðiện Biên, quá trình triển khai thực hiện cấp GCNQSDÐ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Kinh phí đo đạc lập hồ sơ địa chính để thực hiện cấp GCNQSDÐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, phân bổ chưa kịp thời; một số huyện chưa được đo đạc, lập hồ sơ địa chính phục vụ cấp giấy chứng nhận. Lịch sử quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên rất phức tạp; việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính và tài liệu quản lý đất đai thiếu, thất lạc nên ảnh hưởng lớn đến công tác thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân.

Vẫn biết, công tác cấp GCNQSDÐ cho người dân còn nhiều khó khăn, bất cập, và để tháo gỡ vấn đề này không chỉ cần sự quan tâm, ủng hộ, thay đổi nhận thức từ phía người dân, mà rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành chức năng trong việc nghiên cứu, tìm giải pháp để người dân sớm được hưởng lợi từ việc cấp GCNQSDÐ. Chừng nào người dân chưa được cấp sổ đỏ thì họ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi. Và đương nhiên, mảnh đất mà họ cư trú, sử dụng thì họ mới chỉ là “chủ trên danh nghĩa” chưa phải “chủ hợp pháp”.


Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top