Dân “khát” nước giữa lòng chảo Ðiện Biên

08:58 - Thứ Hai, 22/04/2019 Lượt xem: 12891 In bài viết

ĐBP - Ðể có nước phục vụ sinh hoạt, nhiều năm nay người dân ở các xã vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên phải đầu tư hàng chục triệu đồng đào giếng khoan, xây bể hoặc mua thiết bị lọc nước… thậm chí nhiều hộ dân đành phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn để sinh hoạt, dù đã biết rõ. Trong khi tại một số địa bàn, dù đã được đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các công trình nước sinh hoạt nhưng chỉ để “đắp chiếu”, gây bức xúc trong nhân dân.

 

Người dân bản Tông Khao, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) sử dụng nguồn nước mó, nhưng không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Sầm Phúc

Trung tuần tháng 3, chúng tôi về bản Tông Khao, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên). Mặc dù nằm ngay cửa ngõ thành phố, nhưng người dân nơi đây đã gần 10 năm đằng đẵng chờ nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đặc biệt trong tổng số 70 hộ dân của bản thì có tới 17 hộ thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bà con. Ông Lường Văn Khọt, bản Tông Khao, cho biết: “Nước ở đây chuyển màu vàng đục đã nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây tình trạng này ngày một nặng hơn. Gia đình tôi cũng đầu tư đào giếng khoan (60m), bể lọc nước… trị giá gần 20 triệu đồng, nhưng do nước ô nhiễm quá nặng, chỉ xử lí được màu vàng, còn mùi tanh hôi thì không thể. Gia đình có 3 thế hệ chung sống, tôi già rồi thì không sợ chứ để mấy đứa nhỏ dùng tội lắm!. Nước bẩn như vậy, ăn uống vào không bị bệnh này thì cũng bệnh khác. Dẫu biết vậy, nhưng vì “khát” đành chịu”. Không riêng gì gia đình ông Khọt mà nhiều hộ khác ở Tông Khao cũng khoan giếng, xây bể lọc nước nhưng đành để không vì ô nhiễm.

Ngoài đào giếng, để có nguồn nước sử dụng, nhiều hộ bản Tông Khao cũng đầu tư gần 10 triệu đồng mua ống, xây bể dẫn nước từ mó về; tuy nhiên nước chỉ sử dụng được trong mùa mưa, còn mùa khô cạn kiệt. Theo ghi nhận của chúng tôi, mó nước rộng chưa đầy 20m2; do thời tiết hanh khô, lá cây rơi rụng xuống, mục nát khiến nước chuyển màu đục, có mùi hôi, tanh của bùn. Nhưng do không có nước sử dụng nên người dân đành “cắn răng” sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Tiếp tục về xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên), mặc dù là xã nông thôn mới, nhưng người dân ở hầu hết các bản đã nhiều năm nay thiếu nước sạch hợp vệ sinh, nghiêm trọng nhất là vào những tháng mùa khô (từ tháng 12 - 4). Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, khẳng định: Hiện nay, tại xã Thanh Chăn mới chỉ có 50% tổng số dân toàn xã được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh (50% còn lại phải sử dụng nguồn nước giếng khoan có màu vàng đục, tanh… hoặc nguồn nước khác từ tự nhiên). Thiếu nước đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì đạt chuẩn tiêu chí số 17 về “Môi trường và an toàn thực phẩm” theo Bộ Tiêu chí Xây dựng nông thôn mới. Lý giải về nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Vĩnh tiếp lời: Hiện nay trên địa bàn xã có 2 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh được Nhà nước đầu tư theo chương trình Xây dựng Nông thôn mới (công trình Huổi Bẻ đưa vào sử dụng năm 2009 và công trình nước sạch Huổi Cưởm đưa vào sử dụng năm 2011). Sau khi hoàn thành 2 công trình đã cung cấp nước sinh hoạt cho 100% số hộ trên địa bàn xã. Tuy nhiên, cách đây khoảng 3 năm (2016) các công trình đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, đường ống nước bị gỉ sét, mục nát; nước từ đầu nguồn chảy về các bể nhánh ít dần rồi cạn nên lưu lượng nước sạch không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân; tình trạng thiếu nước diễn ra ở hầu hết 18/18 thôn bản, đặc biệt thiếu nước trầm trọng ở đội 12 (bản Co Mỵ). Ðể khắc phục, xã đã tích cực vận động, tuyên truyền bà con đào giếng khoan, xây bể lọc nước nhưng vẫn không đảm bảo, do nguồn nước ngầm nhiễm sắt, có mùi hôi tanh. Về việc sửa chữa các công trình nước sạch đã xuống cấp, xã cũng đã nhiều lần gặp gỡ và làm việc với chủ đầu tư; gửi tờ trình số 123/TTr-UBND và 34/TTr-UBND về việc “Bố trí kinh phí mở rộng phạm vi cấp nước sạch cho nhân dân” lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Ðiện Biên và Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ðiện Biên nhưng hiện chưa có ý kiến phản hồi. Dẫu biết, việc thiếu nước sạch ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân, nhưng xã cũng đành “lực bất tòng tâm” do không bố trí được kinh phí sửa chữa.

Ðể tìm hiểu ngọn ngành về tình trạng thiếu nước đang diễn ra ở một số xã thuộc huyện Ðiện Biên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ðiện Biên. Bà Huyền cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 140 công trình nước sinh hoạt tập trung thuộc 25/25 xã; tình trạng thiếu nước sạch xảy ra ở hầu hết các xã, nghiêm trọng nhất là: Noong Luống, trung tâm hành chính Pú Tửu… Nguyên nhân của tình trạng này là các công trình nước sạch hợp vệ sinh ở trong tình trạng “cha chung không ai khóc”. Nhà nước đầu tư giao cho cấp xã, song việc quản lý trực tiếp, cơ chế sửa chữa lại lúng túng do xã không có kinh phí sử dụng khi công trình xuống cấp, hư hỏng. Thêm nữa, là ý thức bảo vệ tài sản của một bộ phận người dân còn rất hạn chế; thậm chí nhiều bản sau khi công trình nước sạch mới đưa vào sử dụng đã tự ý đục, phá ống dẫn nước về sử dụng với mục đích cá nhân. Khi chúng tôi đề cập tới việc xã nông thôn mới Thanh Chăn thiếu nước trầm trọng nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Huyền khẳng định: “Ðơn vị không hề hay biết việc này và cũng chưa nhận được bất kỳ văn bản cũng như tờ trình kiến nghị nào của lãnh đạo xã Thanh Chăn”. Việc xã gửi trực tiếp tờ trình lên Sở Nông nghiệp và PTNT; Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh là vượt cấp; đơn vị sẽ liên hệ trực tiếp với lãnh đạo xã để xác minh nội dung này, làm cơ sở để tham mưu cho UBND huyện. Bởi vì theo quy định, khi các công trình hư hỏng cần nâng cấp sửa chữa, đầu tư mới, người dân thiếu nước sạch, xã phải làm tờ trình, báo cáo đơn vị quản lý cấp huyện để tham mưu xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Huyền cũng cho biết: Ðể giải quyết nhu cầu về nước sạch của người dân, trước mắt đơn vị sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã tiếp nhận công trình và tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả hơn; xây dựng và củng cố các tổ chức quản lý đủ năng lực thực hiện việc khai thác, sử dụng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; cận đối, bố trí nguồn ngân sách để nâng cấp, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, đặc biệt là các công trình nước tự chảy còn sử dụng được. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh vận động tuyên truyền các xã, thôn, bản bảo vệ, quản lý và khai thác các công trình có hiệu quả...

Giải pháp đã có, song bao giờ thực hiện và thực hiện như thế nào là vấn đề mà nhân dân huyện Ðiện Biên đặc biệt quan tâm; vì đó là quyền thụ hưởng của bà con. Hy vọng quyền lợi này sẽ thực sự được chính quyền, các ngành chức năng quan tâm, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top