Khổ vì ở cạnh cơ sở sản xuất gạch không nung

08:49 - Thứ Ba, 23/04/2019 Lượt xem: 13944 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, một số hộ dân đội 23, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường từ cơ sở sản xuất gạch không nung của gia đình anh Trần Văn Tuấn, đặt tại đội 23, xã Noong Hẹt. Không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi bẩn mà còn ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, nhà ở của hộ dân liền kề, khiến người dân sinh sống xung quanh vô cùng bức xúc. 

Anh Phạm Ngọc Tuân chỉ vết rạn nứt trên tường nhà do ảnh hưởng của máy ép gạch.

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân địa phương, phóng viên Báo Điện Biên Phủ đã đến gặp gỡ, trao đổi với bà con và để “mục sở thị” mức độ ảnh hưởng của cơ sở này đối với đời sống người dân. Thời điểm có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận, cơ sở sản xuất gạch có 2 máy ép gạch nhưng chỉ có 1 máy đang hoạt động và máy còn lại đang sửa chữa. Tuy chỉ có một máy hoạt động, song chúng tôi cũng đã cảm nhận được độ rung khá mạnh và tiếng ồn lớn khi máy ép gạch. Là hộ sống sát ngay cơ sở sản xuất gạch không nung, nhà ở của gia đình anh Phạm Ngọc Tuân, đội 23, xã Noong Hẹt có dấu hiệu rạn, nứt tường nhà. Để minh chứng về ảnh hưởng của cơ sở sản xuất gạch không nung, anh Tuân dẫn chúng tôi lên tầng 3 của căn nhà để cảm nhận mức độ rung của máy ép gạch.

Anh Tuân cho biết: “Trước đây, gia đình anh Tuấn (chủ cơ sở sản xuất gạch không nung) chỉ sử dụng một máy thủ công để ép gạch. Khi gia đình tôi có ý kiến đề nghị cơ sở di chuyển máy ép cách xa tường nhà tôi, để hạn chế ảnh hưởng, anh Tuấn đã di chuyển chiếc máy ép gạch cũ cách xa tường nhà tôi khoảng 3m. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng gạch không nung trong nhân dân ngày càng nhiều nên gia đình anh Tuấn đã mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư thêm một máy ép gạch công nghệ cao hơn nhưng lại đặt sát ngay tường nhà tôi. Một máy hoạt động đã đủ độ rung rồi, đằng này có lúc cả 2 máy cùng hoạt động thì không khác gì động đất. Vì vậy, nhiều vị trí trên tường nhà tôi đã có dấu hiệu rạn nứt. Cứ như thế này, về lâu về dài, máy rung liên tục nhiều năm thì tôi không biết có móng nhà nào chịu nổi không. Tôi nghĩ, việc họ sản xuất kinh doanh là chính đáng, song hoạt động trong khu dân cư thì phải làm như thế nào để không ảnh hưởng đến những người xung quanh. Do vậy, tôi rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết vấn đề này”.

Cũng giống như anh Tuân, ông Nguyễn Văn Quảng, đội 22, xã Noong Hẹt (nhà cách đó khoảng 20m) cũng rất bức xúc: “Cơ sở sản xuất gạch không nung này hoạt động ở đây khoảng chục năm nay rồi. Đành rằng, cơ sở sản xuất gạch không nung đặt trên diện tích đất của gia đình họ, song làm gì thì làm nhưng đừng để ảnh hưởng đến khu dân cư. Nếu tình trạng tiếng ồn, bụi bẩn còn kéo dài thì chắc không ai chịu nổi. Vì vậy, chúng tôi mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết giúp nhân dân”.

Ông Trần Văn Quang, Đội trưởng đội 23, xã Noong Hẹt, cho biết: Ảnh hưởng của cơ sở sản xuất gạch không nung này ai cũng nhìn thấy; không chỉ ô nhiễm môi trường vì bụi bẩn mà còn gây ra tiếng ồn rất lớn ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống xung quanh.

Để nắm thêm thông tin, chúng tôi đến cơ sở sản xuất gạch không nung để gặp anh Trần Văn Tuấn (chủ cơ sở). Anh Tuấn cho biết, cơ sở sản xuất gạch của gia đình đã hoạt động tại đây hơn 10 năm nay. Thời điểm này, gia đình có 2 máy ép gạch, lúc hoạt động 1 máy, lúc thì cả 2 máy với công suất khoảng 1 vạn gạch/ngày. Nói về việc cơ sở gây ra tiếng ồn và bụi ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh thì anh Tuấn khẳng định, khi máy hoạt động thì cơ sở sản xuất nào mà chẳng gây ra tiếng ồn và bụi. Nên theo anh Tuấn, ở mức độ này thì xưởng gạch của gia đình anh không gây ảnh hưởng gì đến đời sống của những người dân xung quanh.

 

Cơ sở sản xuất gạch không nung của gia đình anh Trần Văn Tuấn được đặt sát tường nhà anh Phạm Ngọc Tuân. 

Đem ý kiến phản ánh của người dân đội 23 trao đổi với chính quyền xã Noong Hẹt, chúng tôi được ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 doanh nghiệp mới chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung; còn lại có 4 cơ sở sản xuất gạch không nung khác nhưng chủ yếu là làm thủ công, chưa có máy công nghệ cao. Còn cơ sở của anh Tuấn đã nâng cấp máy móc, làm gạch theo hình thức công nghệ cao thì xã không nắm được, vì trong quá trình cấp phép kinh doanh, xã không được tham gia kiểm định quy mô, máy móc và mức độ ảnh hưởng đến môi trường của các cơ sở sản xuất gạch không nung.  

Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh của phóng viên, ngày 12/4, UBND xã Noong Hẹt đã thành lập đoàn kiểm tra tại cơ sở sản xuất gạch nói trên. Sau khi kiểm tra, đoàn công tác xác định cơ sở sản xuất gạch bột đá này do ông Trần Văn Toản (bố của anh Trần Văn Tuấn) là chủ đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 62G0001130 ngày 9/2/2009. Tại thời điểm kiểm tra có 2 máy phục vụ sản xuất nhưng chỉ 1 máy hoạt động. Đoàn kiểm tra đề nghị chủ cơ sở cung cấp các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thì chủ cơ sở chỉ đưa ra hợp đồng mua bán điện phục vụ sản xuất, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có giấy tờ cam kết về bảo vệ môi trường.

Làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên, anh Đặng Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng phụ trách, cho biết: Căn cứ vào các quy chuẩn về tiếng ồn và không khí xung quanh (áp dụng với bụi ngoài trời của cơ sở sản xuất) quy định tại QCVN26:2010/BTNMT và QCVN 05:2013/BTNMT thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 70dBA (từ 6 giờ - 21 giờ) và 55dBA (từ 21 giờ - 6 giờ ngày hôm sau); giá trị giới hạn về tổng bụi lơ lửng trong không khí xung quanh trung bình 1 giờ là 300μg/m3; trung bình 24 giờ là 200μg/m3 và trung bình 1 năm là 300μg/m3. Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị không có máy móc, thiết bị, nhân lực đủ điều kiện để đo chính xác các chỉ số này để xác định cơ sở này có ảnh hưởng đến môi trường hay không. Vì vậy, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên sẽ đề nghị các cơ quan chức năng có đầy đủ máy móc, thiết bị đo đạc phối hợp thực hiện kiểm tra cơ sở này và sẽ có hướng xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật trong thời gian tới. Nếu trường hợp cơ sở gây ô nhiễm môi trường mà không khắc phục, đơn vị sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh và buộc ngừng hoạt động.

Từ thực trạng trên, người dân đội 23, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) rất mong các ngành chức năng sớm vào cuộc để xác định rõ các chỉ số về mức độ ô nhiễm môi trường, như: khói, bụi, tiếng ồn... Từ đó có biện pháp chấn chỉnh và tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất xen kẽ khu dân cư nói chung và cơ sở sản xuất gạch không nung tại đội 23, xã Noong Hẹt nói riêng; tránh tình trạng như cơ sở trên hoạt động đã 10 năm nay nhưng không có giấy cam kết về bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top