Siết chặt chất lượng kiểm định phương tiện

10:00 - Thứ Hai, 20/05/2019 Lượt xem: 11946 In bài viết

Vụ việc bị phát hiện tại Trung tâm đăng kiểm 98-03D (trụ sở tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) vào tháng 3-2019, đã cho thấy Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) này dù không kiểm định xe trên thực tế nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định cho năm xe ô-tô tải mang BKS tỉnh Lào Cai. Để tránh bị phát hiện qua ca-mê-ra giám sát, các đăng kiểm viên đã đưa xe ô-tô khác cùng kiểu loại vào dây chuyền và điền kết quả trong hồ sơ kiểm định.

Ngay sau vụ việc, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đóng cửa TTĐK trên và đình chỉ hoạt động ba tháng đối với bảy đăng kiểm viên. Đây là TTĐK đầu tiên trên cả nước bị đóng cửa theo quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Đồng thời, thông báo đến toàn bộ hệ thống các TTĐK trên cả nước nhằm quán triệt, nâng cao ý thức tự giác về đạo đức nghề nghiệp, chủ động ngăn chặn sai phạm trong hoạt động kiểm định.

Trước đó, một sự việc hy hữu cũng xảy ra tại TTĐK số 35-02D Ninh Bình. Khi kiểm định định kỳ, TTĐK này đã không phát hiện ra một xe ô-tô con lại mang hai BKS khác nhau và được cấp hai giấy chứng nhận đăng kiểm cùng một ngày trong tháng 3-2019. Nếu đăng kiểm viên và TTĐK làm đúng theo quy trình, chắc chắn sẽ không thể xảy ra sai sót như vậy. Do đâu dẫn tới hiện tượng này? Có thể thấy nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới đã bỏ quy hoạch số lượng, không hạn chế đầu tư TTĐK, cũng như không hạn chế việc di chuyển địa điểm TTĐK xe cơ giới vào đầu năm nay. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 170 TTĐK đang hoạt động. Số lượng TTĐK tăng nhanh đã tạo thuận lợi hơn cho chủ xe khi lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, giảm thời gian chờ đợi, đi lại. Tuy nhiên, ở một số địa phương, đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thu hút phương tiện theo cách không chính đáng. Một số nhà đầu tư TTĐK để nhanh thu hồi vốn, tăng doanh thu đã tìm cách chèo kéo khách hàng, kiểm định dễ dãi, không theo đúng quy trình, nội dung kiểm định. Cơ chế tự kiểm soát quy trình, chất lượng kiểm định tại TTĐK cũng bộc lộ bất cập do không ít lãnh đạo trung tâm chỉ giữ vai trò làm thuê cho chủ đầu tư, phải chịu áp lực tìm kiếm doanh thu. Đây cũng là thách thức cho cơ quan chức năng trong việc quản lý thế nào để vừa bảo đảm mục tiêu cạnh tranh lành mạnh, vừa đạt chất lượng kiểm định phương tiện. Mặc dù từ năm 2018 đến nay, Cục ĐKVN đã phát hiện, đình chỉ có thời hạn hơn 80 đăng kiểm viên của 21 TTĐK, đình chỉ có thời hạn toàn bộ hoặc một phần hoạt động đối với bảy TTĐK, thu hồi giấy phép hoạt động một trung tâm, nhưng chắc chắn con số này chưa lột tả hết bản chất của vấn đề.

Ai cũng biết kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, tàu biển, công trình dầu khí... là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, giảm tai nạn và ô nhiễm môi trường. Mặc dù chưa có phương tiện nào bị tai nạn liên quan lỗi đăng kiểm kỹ thuật, nhưng để xảy ra một số hiện tượng trên, cho thấy khâu kiểm định đã có "lỗ hổng". Để siết chặt quản lý công tác kiểm định, Cục ĐKVN cần có giải pháp giám sát chặt chẽ hơn trong toàn bộ hệ thống nhằm kiểm soát chất lượng kiểm định và ngăn ngừa tiêu cực. Đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực mới như thử nghiệm an toàn, thử nghiệm khí thải xe cơ giới; có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ đăng kiểm viên, hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong chuyên môn và quản lý hồ sơ, dữ liệu phương tiện theo phương thức điện tử. Ngoài ra, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại vào dây chuyền kiểm định, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; duy trì công tác hậu kiểm, phúc tra chuyên ngành đột xuất về chất lượng kiểm định xe cơ giới đang lưu hành,...

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top