Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động

08:46 - Thứ Tư, 22/05/2019 Lượt xem: 11859 In bài viết
ĐBP - Tai nạn lao động (TNLÐ) trở thành nỗi ám ảnh khi cướp đi tính mạng hoặc làm suy yếu, mất sức lao động đối với người lao động. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn lao động vẫn còn hiện hữu, nhiều vụ TNLÐ trên địa bàn tỉnh đã xảy ra… mà không ít vụ do chính người lao động chủ quan, không chú ý vấn đề bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn khi lao động.

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2018 toàn tỉnh đã xảy ra 49 vụ TNLÐ; trong đó, khu vực có quan hệ lao động 4 vụ làm 1 người tử vong và 45 vụ xảy ra ở khu vực không có quan hệ lao động. Cũng theo thống kê, số vụ TNLÐ khu vực không có quan hệ lao động tăng mạnh cả về số vụ và số người chết. Cụ thể, các vụ TNLÐ ở khu vực không có quan hệ lao động làm 14 người chết, tăng 12 người chết so với năm 2017. Ðó là chưa kể những trường hợp bị thương tật dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng lao động vĩnh viễn, trường hợp mang bệnh tật do ảnh hưởng của môi trường lao động không đảm bảo an toàn vệ sinh…

 

Công ty Xăng dầu Ðiện Biên luôn chấp hành đúng quy định pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động. Trong ảnh: Nhân viên Cửa hàng Xăng dầu số 3 bơm xăng cho khách hàng.

Anh Lò Văn Toản, xã Nậm Nèn (huyện Mường Chà) đã hơn 3 năm làm việc tại các công trình xây dựng nhà cao tầng, nhà ở dân cư trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Anh Toản cho biết, công việc thường làm của anh là phụ hồ, vận chuyển vật liệu xây dựng. Ðược chủ thầu trả lương từ 7 - 8 triệu đồng/tháng (tùy theo số ngày làm việc). Ăn ở sinh hoạt hàng ngày đều tại lán tạm công trình. Dù làm việc vất vả, nhưng tằn tiện, tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng anh cũng để dành được 4 - 5 triệu đồng gửi cho gia đình trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, hỏi về vấn đề bảo hộ lao động trong quá trình làm việc, anh Toản cười xòa trả lời, chẳng mấy khi sử dụng dù được chủ thầu cấp cả găng tay, quần áo bảo hộ.

Chính sự thờ ơ xuất phát từ bản thân người lao động trong quá trình làm việc là một trong nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn lao động. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động vì muốn cắt giảm chi phí nên chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện pháp luật lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) cho người lao động; không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt; không xây dựng kế hoạch ATVSLÐ, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không trang bị phương tiện bảo hộ... Minh chứng cho điều này là số người được huấn luyện xây dựng hệ thống ATVSLÐ trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLÐ và người lao động được huấn luyện về ATVSLÐ còn hạn chế (năm 2018 có gần 470 người). Kết quả giám sát của đoàn thanh tra liên ngành tại một số doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và xây dựng tỉnh Ðiện Biên và Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Hoa Ba năm 2018 cho thấy, các doanh nghiệp này chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, chưa tiến hành quan trắc môi trường lao động; chưa tổ chức huấn luyện ATVSLÐ cho toàn thể người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 44/2016/NÐ-CP của Chính phủ. Kết quả thanh tra pháp luật lao động tại một số doanh nghiệp trong tỉnh theo chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vì an toàn, sức khỏe người lao động” trong năm 2018 do Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ATVSLÐ khi có tới 50% doanh nghiệp chưa phân loại số lao động làm việc nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 60% doanh nghiệp chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động… Qua thống kê các vụ TNLÐ của cơ quan chức năng, có hơn 46% nguyên nhân TNLÐ xảy ra do người sử dụng lao động. Phân tích cụ thể các nguyên nhân thì vi phạm do không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 14,6% tổng số vụ; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm trên 12,3%; không có thiết bị bảo đảm an toàn chiếm 10%...

Ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng: Luật ATVSLÐ hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế TNLÐ với nhiều quy định cụ thể. Người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo điều kiện ATVSLÐ tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng ngừa; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLÐ; được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra TNLÐ… Tuy nhiên, thời gian qua các vụ TNLÐ trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra, nhất là ở khu vực không có quan hệ lao động. Ðiều đó đặt ra vấn đề cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng pháp luật lao động tới mỗi người lao động, người sử dụng lao động để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành làm việc an toàn, hiệu quả. Tăng cường công tác huấn luyện ATVSLÐ, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất có tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn, dễ xảy ra tai nạn chết người... nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về công tác ATVSLÐ, giảm thiểu tối đa các vụ TNLÐ xảy ra. Ðối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn cần tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất để xây dựng các phương án phòng ngừa, diễn tập; chú trọng kỹ năng thực hành các biện pháp đảm bảo an toàn.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top