Ða dạng cách thức hỗ trợ hộ nghèo

09:17 - Thứ Sáu, 24/05/2019 Lượt xem: 11725 In bài viết
ĐBP - Cùng với các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh; những tấm lòng thơm thảo của các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh thời gian qua đã giúp người nghèo vơi phần khó khăn, tiếp thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

 

Người nghèo xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) nhận quà từ thiện từ cán bộ, chiến sĩ Công an quận Long Biên (Hà Nội).

Mới đây thôi, nhận những phần quà ấm áp, ý nghĩa từ cán bộ, chiến sĩ công an quận Long Biên (TP. Hà Nội), người nghèo xã Na Ư và Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) vô cùng xúc động, bởi những thiếu thốn bấy lâu về các nhu yếu phẩm, chăn, màn, quần áo, cặp sách, bút vở… đã được giải quyết một phần khi hơn 300 phần quà với tổng trị giá hơn 150 triệu đồng đã được trao tới tay họ. Trong đó, trên 200 phần quà được trao tận tay hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Na Ư, giúp người nghèo nơi đây vơi bớt khó khăn. Ông Ly Nình Vàng, Chủ tịch UBND xã Na Ư cho biết: Do diện tích đất sản xuất lúa nước ít, người dân chủ yếu trồng lúa nương, trồng ngô, sắn. Sản xuất trên nương phụ thuộc thời tiết nên năng suất bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Thêm vào đó không ít hộ thiếu nhân lực lao động do bị phạt tù vì liên quan đến ma túy… nên đói nghèo đeo bám. Chính vì vậy, sự hỗ trợ thiết thực với những phần quà ý nghĩa từ mỗi cán bộ, chiến sĩ công an quận Long Biên là nguồn động viên, khích lệ bà con vươn lên trong cuộc sống. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân; xã cũng đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình giảm nghèo giúp hộ nghèo, người nghèo vượt khó vươn lên. Các hợp phần hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo giống cây trồng, vật nuôi đều được lấy ý kiến ngay từ các thôn, bản đảm bảo phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; giúp người nghèo tiếp cận đồng vốn từ ngân hàng chính sách - xã hội với lãi suất ưu đãi… đã giúp hộ nghèo, người nghèo có thêm nguồn lực, tư liệu để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhờ đó cuộc sống của hộ nghèo dần được cải thiện hơn, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn hơn 30%.

Với sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân; công tác ủng hộ, giúp đỡ người nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, như: hỗ trợ về tiền mặt, ngày công lao động, cây giống, con giống, tư liệu sản xuất… góp phần giúp họ xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Riêng trong Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2018, Quỹ Vì người nghèo toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 3 tỷ đồng. Trong đó, quỹ cấp tỉnh tiếp nhận hơn 606 triệu đồng của 79 tập thể cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và 49 cá nhân; quỹ cấp huyện tiếp nhận ủng hộ với số tiền trên 1,2 tỷ đồng, cấp xã tiếp nhận ủng hộ hơn 1,1 tỷ. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động, năm qua toàn tỉnh đã vận động được trên 18 tỷ đồng, 317 tấn xi măng, hơn 3.000 ngày công lao động, hỗ trợ giúp đỡ người nghèo trên địa bàn tỉnh xây mới, sửa chữa 104 nhà ở, các đồ dùng thiết yếu trong gia đình (nồi cơm điện, bóng điện, chăn ấm…); hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… giúp người nghèo tăng thu nhập. Cùng với đó, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Quỹ “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh; Dự án “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn”, mô hình “Xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù”, Dự án “Ngân hàng bò”, hỗ trợ trâu, bò sinh sản luân chuyển cho các hộ nghèo… của các hội, đoàn thể trong tỉnh đã giúp người nghèo có thêm tư liệu, nguồn vốn để phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Cùng với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh; người nghèo, hộ nghèo trong tỉnh nhận được sự động viên, khích lệ, giúp đỡ bằng vật chất, tinh thần của các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân để vươn lên. Trong năm 2018 toàn tỉnh đã có hơn 3.800 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 37,08%, giảm 3,93% so với năm 2017. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, thì giảm nghèo không chỉ là giải quyết về vấn đề ăn, ở, nước sinh hoạt mà còn phải giải quyết các vấn đề hỗ trợ sản xuất, tạo công ăn việc làm… và điều quan trọng đó chính là người nghèo phải có nhận thức đúng đắn, có ý thức tự thân vận động phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Trong quá trình đó không thể thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ của doanh nghiệp, cộng đồng và cách sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ người nghèo. Có như vậy công cuộc xóa đói giảm nghèo mới thực sự hiệu quả, bền vững.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top