Ðảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa nắng nóng

09:15 - Thứ Sáu, 14/06/2019 Lượt xem: 12746 In bài viết

ĐBP - Thời tiết hiện đang trong những ngày nắng nóng là thời điểm dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, kèm theo nỗi lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trước tình hình đó, các ngành chức năng, chủ lực là Chi cục ATVSTP tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo ATTP cho người dân.

 

Cán bộ Chi cục ATVSTP kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ.

Mùa hè thời tiết diễn biến phức tạp: Nóng ẩm, mưa nhiều; vấn đề vệ sinh môi trường cũng như các nguồn thực phẩm luôn có nguy cơ cao bị biến chất, nhiễm khuẩn, gây ngộ độc với người tiêu dùng. Ðể chủ động bảo đảm ATVSTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, Chi cục ATVSTP đã xây dựng công văn, chuyển tới các đơn vị đề nghị phòng y tế, trung tâm y tế, ban chỉ đạo ATVSTP các huyện, thị xã, thành phố phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố và người dân. Ðồng thời, yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không được sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh; không kinh doanh, sản xuất các sản phẩm rượu, bia, nước giải khát không rõ nguồn gốc xuất xứ, không an toàn. Các đơn vị tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân không thu hái, kinh doanh, sử dụng các động, thực vật lạ, nghi ngờ không đảm bảo an toàn để chế biến thức ăn, như: Ốc lạ, quả lạ, nấm độc… Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh kẹo, rượu, nước giải khát, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm… Khi phát hiện các trường hợp vi phạm tiến hành xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng. Ðặc biệt, thời điểm mùa hè cũng là lúc hàng nghìn thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, các lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về ATVSTP, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tới sinh viên, học sinh, phụ huynh để hạn chế tối đa các ca, vụ ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trước và trong thời điểm diễn ra kỳ thi. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về đảm bảo ATVSTP. Ðặc biệt, chú trọng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các quán ăn phục vụ thí sinh và người nhà thí sinh gần các điểm thi, cụm thi…

Nằm giữa trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ, phường Mường Thanh sầm uất với rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, chính sự sầm uất đó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn phường có 64 cơ sở kinh doanh đường phố, tập trung chủ yếu tại tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và các chợ tạm. Ðể hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, nhất là vào mùa cao điểm nắng nóng, Ban chỉ đạo ATVSTP phường thường xuyên tuyên truyền để chủ cơ sở nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Ðồng thời, ban chỉ đạo với nòng cốt là cán bộ trạm y tế phường thường xuyên rà soát các cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vào các dịp cao điểm trong năm, kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý. Nếu cơ sở nào bị nhắc nhở, xử lý vài lần nhưng vẫn tái phạm, Ban chỉ đạo sẽ thông báo danh tính, địa chỉ cơ sở tới người tiêu dùng. Do đó, ý thức chủ cơ sở cũng được nâng lên, các trường hợp vi phạm vì thế cũng giảm đi đáng kể so với thời gian trước. Và từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phường không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính người dân cũng cần chủ động phòng, chống ngộ độc để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ; tìm hiểu cách lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn. Cần chú ý khi sử dụng các loại thức ăn đường phố; không nên ăn các loại rau sống không rõ nguồn gốc hoặc đồ ăn chưa nấu chín như tiết canh, gỏi cá… Khi có dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.


Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top