Tuyên truyền DS - KHHGÐ ở Mường Ảng

Tăng cường cả nội dung và hình thức

09:18 - Thứ Sáu, 14/06/2019 Lượt xem: 10384 In bài viết

ĐBP - Xác định công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - chính trị - xã hội. Những năm qua, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mường Ảng phối hợp với các hội đoàn thể, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Nhờ đó, công tác DS - KHHGÐ trên địa bàn đã được nhiều kết quả tích cực...

Trên cơ sở chỉ đạo hướng dẫn thực hiện công tác năm 2019 của Chi cục DS - KHHGÐ tỉnh; Trung tâm DS - KHHGÐ huyện xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác DS - KHHGÐ năm 2019 cho các xã, thị trấn; tổ chức và triển khai chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGÐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” tại 4/10 xã (Mường Lạn, Xuân Lao, Ẳng Tở, Ẳng Cang); xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp DS - KHHGÐ năm 2020. Chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã lập danh sách đối tượng đăng ký sử dụng các biện pháp tránh thai năm 2019 đúng đối tượng theo Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BTC-BYT. Hoạt động truyền thông từ huyện đến các xã, thị trấn được đẩy mạnh, tăng cường cả về nội dung và hình thức nhằm chuyển đổi hành vi bền vững về DS - KHHGÐ trên cơ sở cung cấp những thông tin với nội dung và hình thức phù hợp với đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện như: Nghị định 114/CP thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về dân số gia đình và trẻ em; Chương trình Mục tiêu DS - KHHGÐ và Tháng Hành động quốc gia về dân số; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và cung cấp dịch vụ DS - KHHGÐ cho vị thành niên, thanh niên... Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ Trung tâm DS - KHHGÐ, cùng với hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân các cấp tích cực xuống từng hộ tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng của người dân, lồng ghép, tuyên truyền thông qua các buổi họp dân, hội nghị đoàn thể; viết tin, bài phát trên loa phát thanh của xã, bản; với nội dung truyền đạt ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Tăng cường rà soát, theo dõi, nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, số người sinh con thứ 3 và có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên để có biện pháp truyền thông, tư vấn, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức cung cấp kiến thức về mất cân bằng giới tính khi sinh cho học viên về học tại Trung tâm. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm DS - KHHGÐ huyện Mường Ảng đã tổ chức các hoạt động truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề tại 139 tổ dân phố, bản được 207 buổi cho hơn 68.210 lượt người nghe, tập trung vào các nhóm đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, thanh niên, vị thành niên, nam giới, chủ hộ gia đình, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng... Phát thanh trên loa được 119 lượt nhằm chuyển đổi hành vi về DS - KHHGÐ với nhiều nội dung phong phú như: giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh, nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi, tư vấn và cung cấp dịch vụ DS - KHHGÐ cho vị thành niên, thanh niên. Thông qua những buổi truyền thông về DS - KHHGÐ, phụ nữ ở các xã, bản vùng cao trên địa bàn huyện đã chủ động hơn trong việc thực hiện KHHGÐ, biết chú ý chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình và người thân. Tổng số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay 2.018 người (đạt 86,6% so với kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước).

Bà Nhữ Thị Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm DS - KHHGÐ huyện Mường Ảng cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về DS - KHHGÐ trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế như: Công tác thu thập, cập nhật thông tin về DS - KHHGÐ của một số cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số bản, tổ dân phố còn hạn chế dẫn đến việc rà soát thông tin biến động vào kho dữ liệu điện tử còn chậm, chất lượng báo cáo thống kê, báo cáo tổng hợp của một số xã chưa đảm bảo; một số cấp ủy Ðảng ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tính chất phức tạp khó khăn về công tác DS - KHHGÐ; trên địa bàn vẫn còn tồn tại hủ tục, tập quán lạc hậu, còn mang nặng ý nghĩ đẻ con trai để có người nối dõi tông đường, đẻ nhiều để có người lao động...

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top