Biên tập viên - những người thầm lặng sau mỗi bài báo

08:38 - Thứ Tư, 19/06/2019 Lượt xem: 12248 In bài viết
ĐBP - Nhắc đến báo chí, nhiều người thường nghĩ luôn tới các phóng viên - tác giả của mỗi tác phẩm mà ít khi nói tới biên tập viên cũng như những công việc thầm lặng của họ. Tuy nhiên trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, báo chí càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, ở mỗi tòa soạn, mỗi nhà xuất bản, đài truyền thanh truyền hình, công ty quảng cáo… biên tập tuy không hẳn là một nghề “hot” nhưng vẫn dành được nhiều tình cảm của các bạn trẻ, được những người viết lách yêu mến, trân trọng. Và lẽ dĩ nhiên với bất cứ ai khi đến với công việc biên tập phải xác định trước rằng, phải đến với nghề bằng đam mê, có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không phụ thuộc vào chính khả năng, chịu khó học hỏi và niềm đam mê của mỗi người.

Làm công tác biên tập mới hơn 5 năm, với tôi quãng thời gian đó chưa phải là dài nhưng có rất nhiều kỷ niệm, phần nào tích lũy được những kinh nghiệm và cả những bài học xương máu để gắn bó hơn và trưởng thành hơn trong công việc. Chuyển từ bộ phận phóng viên xuống, tôi coi đó là lợi thế của mình vì đã được đi nhiều, cọ xát nhiều với cơ sở, từng tiếp cận ở nhiều lĩnh vực, nhiều mảng đề tài nên ít nhiều cũng thuận lợi trong quá trình biên tập bài viết của anh em phóng viên và cộng tác viên.

Người ta vẫn nói rằng, ở mỗi tòa soạn biên tập viên luôn được ví là “bà đỡ” của mỗi tác phẩm báo chí. Mỗi một bài viết được coi là “đứa con tinh thần” của người viết, thai nghén từ ý tưởng đến khai thác, xử lý định hình thông tin rồi nhào nặn lên một tác phẩm hoàn chỉnh, dù bài viết đó dài, ngắn, hay chỉ là một cái tin. Song dù tác giả đó có tài, giỏi đến đâu, có cẩn thận đến mấy cũng khó có thể tránh khỏi những sai sót từ đơn giản (chính tả, lỗi đánh máy, ngữ pháp...) cho đến những vấn đề lớn hơn (về quan điểm lập trường, tư tưởng, định hướng dư luận...). Do vậy, người làm biên tập phải kịp thời soát lỗi phát hiện chỉnh sửa, gọt giũa, trau chuốt để tác phẩm tròn trĩnh, sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn. Hầu hết tác giả đều không thích bài viết bị sửa quá nhiều hay có sự can thiệp quá sâu vào tác phẩm của mình. Và người biên tập cũng không thể chỉnh sửa, lái thông tin theo ý muốn của bản thân, việc thay đổi câu từ, ngữ nghĩa đều phải có sự đong đo cân nhắc để sao cho vẫn giữ được thông điệp, ý nghĩa tác giả muốn truyền tải trong bài viết.

Thực tế không phải tác giả nào cũng viết thật sự tốt, không phải bài viết nào cũng hay từ đầu. Có khi có những bài viết dù đề tài rất hay nhưng tác giả thể hiện chưa toát được vấn đề, chưa bật ra được điều cần nói, chính lúc này người làm biên tập sẽ chắp nối các ý tưởng, xâu chuỗi các vấn đề, sự kiện, nhân vật cho lôgic để bài viết hoàn chỉnh. Rồi có những lúc sửa bài xong nhưng vẫn trăn trở mong muốn tìm đặt một cái tít bài hay hơn cho sát với vấn đề, nội dung thông tin của bài viết. Người làm biên tập phải nhặt những hạt sạn, khéo léo biết đánh bóng những sần sùi, vá những lỗ hổng, khiếm khuyết trên mỗi bài viết bằng những từ ngữ chuẩn xác, hành văn mạch lạc.

Ai đã từng làm công tác biên tập mới thấy, nghề này đòi hỏi tính tỉ mẩn, cẩn thận không thể nửa vời, nhanh vội. Nhìn qua công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại khá phức tạp, cầu kỳ. Không thể chỉ đọc qua, đọc lướt một lần là sửa ngay được bài viết. Có những bài viết có vấn đề, bài dài kỳ, nhất là những bài điều tra sau khi đọc bản thảo nhanh một lượt phải quay lại đọc từ đầu, đọc kỹ từng câu, từng ý, từng đoạn rồi mới bắt tay vào sửa. Tuy nhiên, sai sót trong khâu biên tập có lúc cũng khó tránh khỏi, trong quá trình làm việc, ít có biên tập viên nào từng không vấp phải tai nạn nghề nghiệp. Nếu không thực hiện đúng các bước, các khâu trong quy trình xuất bản rất dễ xảy ra sai sót. 

Tính chất và yêu cầu công việc là vậy nên đòi hỏi người làm công tác biên tập, nhất là những biên tập giỏi, có kinh nghiệm phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nghe nhiều, đọc nhiều, phải có chính kiến lập trường vững vàng. Ðặc biệt phải hết sức thận trọng, không được phép xuề xòa, bỏ qua trước những thông tin còn nghi ngờ cần kiểm chứng sẽ dễ dẫn đến những lỗi đáng tiếc, ảnh hưởng chung tới uy tín của tòa soạn, tác giả bài viết và cả chính bản thân người biên tập bài viết đó. Là những người làm việc thầm lặng ở tòa soạn, để thực hiện tốt chức năng là “bà đỡ” của mình, mỗi biên tập viên phải nhạy bén, công tâm, khách quan, chú trọng trau dồi nghiệp vụ, rèn luyện trí nhớ tốt và nâng cao kiến thức toàn diện.

Bình Nguyên
Bình luận
Back To Top