Chúng tôi giúp xã nghèo

08:42 - Thứ Tư, 19/06/2019 Lượt xem: 10121 In bài viết
ĐBP - Phình Giàng - chỉ nghe tên thôi đã có cảm giác xa ngái, heo hút! Ðịnh lượng bằng ki lô mét thì Phình Giàng không phải là xã quá xa so với nhiều xã đặc biệt khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Bởi xã Phình Giàng cách trung tâm huyện Ðiện Biên Ðông khoảng 30km, nếu tính từ TP. Ðiện Biên Phủ thì Phình Giàng cách gần 100 cây số. Nhưng Phình Giàng còn rất nhiều khó khăn! Ðịa bàn vùng cao cách trở, thiếu thốn về hạ tầng kinh tế - xã hội, thiếu khoa học kỹ thuật, nhận thức của người dân không đồng đều, năng lực cán bộ xã còn hạn chế... nên nghèo cũng là điều khó tránh khỏi! Và Báo Ðiện Biên Phủ gánh trên vai nhiệm vụ đầy vinh dự nhưng vô vàn thách thức: “Ðỡ đầu” giúp Phình Giàng theo Quyết định số 182/QÐ-UBND (nay là Quyết định số 708/QÐ-UBND) của UBND tỉnh! Mà đâu chỉ có mỗi Phình Giàng, những năm đầu Báo nhận “đỡ đầu” cả xã Pú Hồng (tách ra từ xã Phình Giàng).

Những người làm báo may mắn được đi nhiều, gặp nhiều người và biết nhiều thứ. Khó khăn của Phình Giàng cũng là khó khăn của bao xã vùng cao, biên giới khác trên địa bàn tỉnh đã được các nhà báo phản ánh qua tác phẩm của mình. Báo chí góp phần định hướng, thông tin tuyên truyền, phổ biến từ chủ trương, kế hoạch của Trung ương và địa phương cho đến những kinh nghiệm, cách làm hay trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội để nhân dân học tập, làm theo. Song chuyển từ lý thuyết sang cụ thể vào thực tế không hề đơn giản. Giúp xã, giúp dân thì không thể chỉ nói hay, viết tốt! Mà phải thực tiễn! Giúp gì, làm thế nào? Ban Biên tập Báo Ðiện Biên Phủ rất nhanh chóng xác định và thống nhất quan điểm, mục tiêu: Giúp xã xóa đói giảm nghèo phải hiệu quả, bền vững.

Mục tiêu đã rõ, kế hoạch cụ thể cũng sớm được ban hành. Từ Ban biên tập đến cán bộ, phóng viên, biên tập viên cùng vào cuộc. Với lợi thế của cơ quan truyền thông, Báo tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân giàu lòng hảo tâm hỗ trợ Phình Giàng bằng mọi hình thức: Tiền mặt, thiết bị, giống cây con, vật dụng sinh hoạt...; có ngành chuyên môn thì hỗ trợ cán bộ kỹ thuật. Cứ thế, hàng tỷ đồng đã được cụ thể hóa bằng nhà lớp học, nhà bán trú cho học sinh, nhà văn hóa bản, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, những vườn tre bát độ lấy măng xanh tốt, những đàn bò sinh sản... Và Ban biên tập phân công mỗi phóng viên luân phiên nhau cắm xã 1 năm để thực hiện các nội dung giúp xã.

Không chỉ kêu gọi hỗ trợ về kinh tế mà Báo Ðiện Biên Phủ còn vận động nhiều cơ quan, đoàn thể đóng góp công sức cùng cán bộ, phóng viên vào xã giúp dân. Ðó là những đợt hành quân của cán bộ, phóng viên Báo Ðiện Biên Phủ và đoàn viên thanh niên một số đơn vị xuống bản “cầm tay chỉ việc” cho người dân. Cả Bí thư Tỉnh đoàn lúc đó là đồng chí Vừ A Bằng (hiện nay đương nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy Ðiện Biên Ðông) cũng lên nương, xuống vườn đào hố trồng tre bát độ lấy măng. Mệt nhưng phấn khởi! Bởi sự tâm huyết, trách nhiệm của “bên giúp” và sự tin yêu, đồng thuận của “người được giúp”. Cán bộ và dân bản đoàn kết nhất trí chung sức đồng lòng cày cuốc trồng cây, đào rãnh đắp đập làm thủy lợi, dựng nhà bán trú cho học sinh...

Phình Giàng, Pú Hồng tuy không thật xa nhưng vô vàn khó! Cái khó đầu tiên là giao thông. Chục năm trước đi Phình Giàng nếu gặp mưa là một cực hình. Xe máy cũng “móm” luôn, người giữ người đẩy từng mét một. Mỗi khi chuẩn bị được một lô hàng hóa hỗ trợ, trang thiết bị hay chở cây giống cho bà con là phải lên kế hoạch tỉ mỉ. Song nhiều khi vẫn hỏng ăn do “bại sự tại thiên” bởi kế hoạch thì chi tiết nhưng vẫn thua... thời tiết. Vùng cao, nhiều rừng rậm nên không thể lường trước những cơn mưa rừng! Phương tiện được ưu tiên lựa chọn là xe U-oát, bởi dòng xe này khỏe, xông pha mọi địa hình gồ ghề, thậm chí có lúc còn phi lên vạt đồi húc cỏ cứa, cây chó đẻ để mở đường đi. Nhưng vào Phình Giàng thì không ít lần U-oát đành thúc thủ. Còn nhớ một lần chuyển hàng hóa cho bà con, cả 3 chiếc oát “chết dí” tại hố bùn. Tất cả thành viên trong đoàn, từ Phó ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Nguyễn Vân Chương (nay đã nghỉ hưu); Bí thư Huyện ủy Ðiện Biên Ðông Văn Hữu Bằng (hiện nay đương nhiệm chức vụ Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy), Tổng Biên tập và anh em phóng viên, kỹ sư nông nghiệp, cán bộ tư vấn công trình... xắn quần xắn áo cùng hò dô kéo thừng giải cứu xe!

Bây giờ đường vào Phình Giàng đã được bê tông kiên cố, Phình Giàng đã bớt khó khăn. Hơn một thập kỷ giúp xã Phình Giàng, Báo Ðiện Biên Phủ đã góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Bình quân lương thực hiện nay đã đạt gần 440kg/người/năm. Từ cây, con giống được Báo kết nối hỗ trợ, đã xuất hiện những hộ dân làm kinh tế giỏi như gia đình ông Vàng Phái Tỉnh, ở bản Xa Vua A với mô hình VAC gồm: 20 con trâu, 9 con bò sinh sản, 2.000m2 ao cá, 2ha tre bát độ lấy măng, 1ha cây chít, dịch vụ xay xát cho thu nhập 200 triệu đồng/năm...

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top