Bạn đọc đồng hành cùng Báo Điện Biên Phủ

09:17 - Thứ Tư, 19/06/2019 Lượt xem: 13289 In bài viết
ĐBP - Hòa chung không khí kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 19/6/2019, Báo Ðiện Biên Phủ tổ chức kỷ niệm 55 năm xuất bản số báo đầu. Nhân dịp này, Báo nhận được những ý kiến của đồng nghiệp, cộng tác viên và bạn đọc. Những ý kiến ấy là niềm động viên để Báo Ðiện Biên Phủ tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm. Báo Ðiện Biên Phủ xin ghi lại một số ý kiến tâm huyết ấy.

Ông Nguyễn Vân Chương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh

Báo Ðiện Biên Phủ lớn mạnh không ngừng về mọi mặt

 
Tính từ ngày Báo Ðiện Biên Phủ ngày nay ra số đầu tiên đến nay đã tròn 55 năm. Trong hơn nửa thế kỷ đó, tôi có vinh dự vì đã gắn bó cộng tác với báo tròn 40 năm, qua nhiều vị trí công tác. Tôi rất vui mừng vì nhận thấy báo có sự trưởng thành về mọi mặt.

Trong 55 năm xây dựng, trưởng thành Báo Lai Châu trước đây (Báo Ðiện Biên Phủ hiện nay) ngày càng phát triển lớn mạnh không ngừng. Từ tờ “Thông báo” đầu tiên đến “Tờ tin” báo được in roneo; Báo “Lai Châu” in tipo và nay là Báo Ðiện Biên Phủ in offset; phát hành từ vài chục, vài trăm tờ mỗi kỳ, giờ lên đến hàng ngàn tờ/kỳ; báo ra từ nửa tháng 1 số, rồi 1 tuần/kỳ, đến nay Báo Ðiện Biên Phủ đã có 4 ấn phẩm: Báo Ðiện Biên Phủ thời sự 3 kỳ/tuần; Báo Ðiện Biên Phủ cuối tuần; báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao 3 kỳ/tháng, báo điện tử cập nhật thường xuyên. Phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên hầu hết có trình độ đại học, cao đẳng; bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng chuyên sâu; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là những người tâm huyết, trách nhiệm, được bố trí, sử dụng hợp lý. Những điều đó cho thấy, 55 năm qua Báo Ðiện Biên Phủ trưởng thành, lớn mạnh không ngừng về mọi mặt, luôn giữ vai trò và xứng đáng là tiếng nói của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong giai đoạn hiện nay, Báo Ðiện Biên Phủ đang tập trung đổi mới nâng cao về chất lượng nội dung, cải tiến hình thức, phương pháp làm báo; tạo điều kiện để mọi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên yên tâm, yêu nghề, làm tốt chức trách nhiệm vụ “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” trong cơ quan báo chí; phóng viên, và tờ báo bám sát hơi thở cuộc sống, phản ánh toàn diện các lĩnh vực trong đời sống xã hội; cùng với các kênh thông tin chính thống khác của tỉnh giữ vai trò trọng yếu trong việc làm cầu nối đưa chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; đi đầu trong việc tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến, đấu tranh với cái ác, cái xấu; góp phần tích cực trong công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị; tham gia thúc đẩy phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Văn Thành Chương (ghi)

Cộng tác viên Phạm Ðức Hạnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Trau dồi nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của tờ báo

 
Gần 20 năm gắn bó với Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cũng là chừng ấy năm tôi tham gia cộng tác với Báo Ðiện Biên Phủ. Quãng thời gian làm cộng tác viên không chỉ thỏa mãn niềm đam mê với nghiệp báo mà còn mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào công việc, cuộc sống…

Ngày mới chập chững vào lính, tôi được phân công nhiệm vụ xây dựng những chuyên đề cho đơn vị. Cũng từ đó tôi bén duyên với nghề báo và được các anh chị đi trước gợi ý tham gia viết bài cho Báo Ðiện Biên Phủ. Ngày ấy làm nghề còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Những bản thảo chưa thể gửi qua hộp thư điện tử như bây giờ mà phải viết tay trên giấy rồi lóc cóc đạp xe mang tới tòa soạn. Nhưng cũng nhờ thế mà tôi được gặp gỡ, lắng nghe các anh, chị bên Phòng Thư ký tòa soạn góp ý, bổ sung thiếu sót cho bản thân. Các anh, chị tận tình chỉ bảo, giúp cho tôi hiểu được thế là cách tiếp cận, triển khai vấn đề… theo đúng phong cách của tờ báo. Rồi cũng từ quá trình cộng tác, tôi học được cách chụp ảnh sao cho đẹp, tránh trường hợp quá tối hoặc “lốp” sáng… Những kinh nghiệm quý báu đó không chỉ giúp tôi trong quá trình cộng tác mà còn rất hữu ích khi tôi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị phân công. Bây giờ đều đặn tháng nào tôi cũng có tác phẩm đăng trên báo, đa phần là những tin, bài, ảnh, video… về mảng quốc phòng - an ninh như lực lượng dân quân, tự vệ; công tác dân vận, gương cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang… Mỗi lần “đứa con tinh thần” của mình được báo đăng tôi rất vui.

Gần 20 năm làm cộng tác viên, tôi thấy chất lượng các ấn phẩm Báo Ðiện Biên Phủ ngày càng được nâng lên. Mỗi số báo đều có những bài viết tốt, chất lượng, phong phú về đề tài, thông tin đa dạng nhiều chiều, phản ánh kịp thời mọi mặt của cuộc sống. Ðể đáp ứng được yêu cầu của Báo Ðiện Biên Phủ đòi hỏi bản thân tôi và những cộng tác viên khác cũng cần trau dồi thêm nghiệp vụ mới có thể đáp ứng được. Ðiều mong mỏi của tôi và nhiều cộng tác viên khác là, mỗi năm Báo Ðiện Biên Phủ sẽ dành thời gian tổ chức nhiều hơn các buổi gặp mặt để anh em cộng tác viên và phóng viên biết nhau, hiểu nhau hơn, cùng trao đổi về chuyện đời, chuyện nghề… Từ đó, đội ngũ cộng tác viên sẽ chung tay với đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Ðiện Biên Phủ xây dựng tờ báo ngày càng phát triển.

Hải Phong (ghi)

Ông Trịnh Duy Ðáp, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé)

Người bạn đồng hành của chúng tôi

 
Nhiều năm qua, tôi luôn coi các ấn phẩm của Báo Ðiện Biên Phủ là món ăn tinh thần, người bạn đồng hành không thể thiếu. Là lãnh đạo xã Leng Su Sìn, tôi cùng tập thể cán bộ, công chức xã tiếp thu nhiều thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân từ báo. Các ấn phẩm của Báo đã tuyên truyền những cách làm hay, mô hình sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong phát triển kinh tế, nhờ đó, khơi dậy tinh thần nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, Báo Ðiện Biên Phủ còn là kênh thông tin tích cực trong phản biện xã hội, phản ánh những khó khăn, yếu kém để Ðảng, Nhà nước và tỉnh bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ðặc biệt, qua theo dõi và nắm bắt thông tin trên Báo Ðiện Biên Phủ tôi thấy đội ngũ những người làm báo đã có nhiều cố gắng, đi sâu, đi sát vào cơ sở; những vấn đề nổi cộm, bức xúc (di cư tự do, xuất cảnh trái phép…) được thông tin, phản ánh kịp thời; bám sát tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương... Nhiều bài viết đã phản ánh trung thực, khách quan trên nhiều lĩnh vực như: Kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị… thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp độc giả. Hơn nữa, các chuyên đề, chuyên mục trên Báo đã phản ánh được hơi thở cuộc sống, nêu được kinh nghiệm hay của các đơn vị, địa phương, cá nhân trong lao động sản xuất, xây dựng đất nước và làm giàu cho bản thân; từ đó góp phần cổ vũ, động viên mọi người cùng nỗ lực làm theo. Báo cũng đã có sự tìm tòi sáng tạo, đổi mới nội dung, đặc biệt là hướng về đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa; lắng nghe ý kiến góp ý của độc giả để nâng cao chất lượng nội dung, gần gũi, hấp dẫn hơn đối với bạn đọc.

Mong rằng, Báo Ðiện Biên Phủ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa thông tin, phản ánh nhiều hơn nữa tâm tư nguyện vọng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là nhân dân các xã vùng cao, biên giới; luôn là nhịp cầu gần gũi, gắn bó giữa Ðảng và dân, giữa dân với Ðảng, xứng đáng là tiếng nói của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ðiện Biên.

Phương Linh (ghi)

Bà Sùng Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông)

Báo vùng cao luôn gần gũi với hội viên, phụ nữ

Xã Keo Lôm có gần 1.300 hội viên, phụ nữ. Nhân dân sinh sống trên địa bàn chủ yếu là đồng báo Mông; nhiều phụ nữ chưa thông thạo chữ, tiếng phổ thông. Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các giải pháp hỗ trợ để chị em biết đọc, biết viết và nói tiếng phổ thông đã được triển khai. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc này còn có những khó khăn. Khó không chỉ ở việc dạy xóa mù chữ, tiếng phổ thông mà còn khó trong việc duy trì, rèn luyện để chống tái mù cho những chị em đã được học chữ rồi.

Tôi rất thích Báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao của Báo Ðiện Biên Phủ. Là cán bộ hội phụ nữ, trong quá trình về cơ sở tuyên truyền vận động, sinh hoạt hội, tôi thấy chị em cũng thích tờ báo này vì đăng tải nhiều ảnh đẹp và đặc biệt là thông tin phù hợp với đồng bào dân tộc vùng cao. Chữ to, rõ ràng dễ đọc; bài ngắn gọn dễ hiểu. Nhiều chuyên mục trên Báo Ðiện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao cũng bổ ích với bà con: Ý kiến người vùng cao, nhà nông cần biết, muôn cách làm giàu...

Hội viên, phụ nữ không biết chữ, biết tiếng phổ thông sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, các nội dung hoạt động của hội phụ nữ đến chị em. Với những đặc điểm phù hợp với mặt bằng trình độ, nhận thức, kỹ năng của đồng bào vùng cao; Báo Ðiện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao đã được sự yêu mến của nhiều chị em phụ nữ. Tôi mong rằng, thời gian tới, tờ Báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao của Báo Ðiện Biên Phủ sẽ tiếp tục phát huy, thông tin phù hợp hơn nữa với đồng bào vùng cao, nhất là đối tượng phụ nữ dân tộc Mông; có nhiều ảnh đẹp chụp tại địa bàn xã hơn nữa; nhiều bài, ảnh phản ánh về hoạt động của phụ nữ; tin, bài hướng dẫn phụ nữ làm kinh tế, chăm sóc sức khỏe gia đình...

P.V (ghi)

Bà Lê Thị Mai, tổ dân phố 8, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ)

Là cầu nối của Ðảng, Nhà nước với nhân dân

Phải khẳng định báo chí giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. Không chỉ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp mà mọi người dân luôn coi trọng những thông tin bổ ích mà báo chí đã đóng góp, tuyên truyền về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Báo chí cũng giữ vai trò rất quan trọng trong phổ biến giáo dục pháp luật: Các chỉ thị, nghị quyết... thông qua tuyên truyền của báo chí sẽ đến gần hơn với người dân, trở thành những món ăn tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, với nội dung phản ánh đa chiều, thông tin có tính thực tiễn cao; báo chí giúp các cơ quan quản lý Nhà nước biết được phản ứng của người dân với quy định, những điều luật mà Nhà nước ban hành: Chủ trương chính sách có phù hợp với thực tiễn, có kịp thời hay không, nhân dân đồng tình cao hay thấp... Hay như từ chỉ thị, nghị quyết, chủ trương đi vào thực tế có đảm bảo đúng tinh thần không hay là “quy định một đằng, thực thi một nẻo”. Thực tế chúng ta thấy, có những chương trình dự án Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền, nhưng cấp cơ sở thực hiện không đúng, dẫn đến công trình không đảm bảo, nhanh xuống cấp, thất thoát ngân sách... Từ phản ánh của báo chí đã giúp cơ quan chủ quản có giải pháp điều hành, xử lý kịp thời. Như vậy, báo chí cách mạng thực sự đang là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân.

Hiện nay, ngoài báo giấy, Báo Ðiện Biên Phủ còn có báo điện tử. Ấn phầm này đã đưa đến cho người đọc thông tin nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn; phát huy hiệu quả khoa học công nghệ trong thời đại mới, đây là một nỗ lực rất đáng trân trọng. Với góc độ độc giả thường xuyên của báo, tôi mong Báo Ðiện Phủ ngày càng phát triển và trưởng thành hơn nữa để cống hiến tới bạn đọc những tác phẩm báo chí hay, chất lượng, thiết thực mang hơi thở cuộc sống…

Anh Nguyễn (ghi)

Bình luận
Back To Top