Dạy nông dân làm nông nghiệp

08:44 - Thứ Sáu, 12/07/2019 Lượt xem: 10905 In bài viết

ĐBP - Lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm gần 90% tổng số lao động toàn huyện, vì thế đào tạo nghề nông nghiệp luôn được chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Tuần Giáo quan tâm và triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trung bình mỗi năm, huyện đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho khoảng 1.100 lao động. Như vậy có thể thấy, nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LÐNT) là rất lớn. Không chỉ đảm bảo kế hoạch đào tạo, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp gắn với quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 

Sau khi học nghề kỹ thuật chăn nuôi và trị bệnh cho lợn, nhiều hộ dân xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) xây dựng chuồng trại nuôi lợn theo hướng hàng hóa.

Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp, công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LÐNT được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện thực hiện từ các thôn, bản tới từng hộ gia đình, trên cơ sở nhu cầu nghề nghiệp thực tiễn của người dân. Qua đó nắm được nhu cầu học nghề của LÐNT, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Hơn 5 năm qua, huyện đã tiến hành 5 cuộc điều tra, khảo sát và rà soát danh mục nghề đào tạo; tư vấn học nghề cho hơn 3.200 LÐNT có nhu cầu học nghề trên địa bàn (trong đó nghề nông nghiệp gần 2.700 người). Từ đó có kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc đào tạo nghề nông nghiệp và đăng ký danh mục nghề, nhu cầu đào tạo nghề hàng năm của huyện với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai thực hiện. Ðồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp huyện, xã trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn nghề đào tạo, đảm bảo thực hiện đào tạo theo nhu cầu học nghề của LÐNT, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm, tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của LÐNT.

Hơn 5 năm qua đã có gần 2.700 LÐNT trên địa bàn huyện Tuần Giáo được hỗ trợ học nghề nông nghiệp. Các nghề được LÐNT đăng ký học nhiều, như: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn; kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho gia cầm, thủy cầm; kỹ thuật trồng, quản lý dịch hại trên cây ngô; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; kỹ thuật trồng và khai thác rừng… Với phương pháp dạy “cầm tay chỉ việc”, tăng thời lượng thực hành và gắn với mô hình cụ thể, hiệu quả của các lớp đào tạo nghề nông nghiệp được nâng lên rõ rệt, tác động trực tiếp tới hoạt động tổ chức sản xuất ở địa phương. Sau học nghề cơ bản học viên nắm bắt được kiến thức và nâng cao kỹ năng tay nghề, áp dụng kiến thức đã học vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Trên 95% LÐNT sau học nghề nông nghiệp có việc làm, tự tìm được việc làm hoặc mở rộng, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Linh động dạy nghề nông nghiệp theo các hình thức dạy chính quy tại các cơ sở dạy nghề, dạy theo hình thức vừa học vừa làm, dạy nghề lưu động tại các thôn, bản cho LÐNT đã giúp lao động có thể lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp. Không chỉ thuần túy dạy nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện còn tư vấn, hướng dẫn nông dân cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tại các xã làm tốt công tác đào tạo nghề nông nghiệp (Quài Nưa, Quài Cang, Quài Tở, Chiềng Sinh, Chiềng Ðông…), nông dân được nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Như mô hình trồng và chăm sóc cây ăn quả ở xã Quài Tở; chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm tại xã Quài Nưa...

Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Ðể nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho LÐNT, xây dựng nông thôn mới; huyện tiếp tục khảo sát nhu cầu người học để xây dựng kế hoạch đào tạo sát thực tiễn, xác định vùng và sản phẩm chủ lực của từng vùng để tổ chức đào tạo có trọng tâm, trong đó, tiếp tục ưu tiên đào tạo cho LÐNT ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các dự án sản xuất nông nghiệp sạch, khuyến khích LÐNT tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Năm 2019 huyện sẽ thực hiện đào tạo 904 chỉ tiêu nghề nông nghiệp cho an sinh xã hội ở các vùng khó khăn. Tập trung đào tạo các nghề theo định hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các dự án phát triển sản xuất theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top